Sẽ ra sao nếu bạn luôn cảm thấy có quá nhiều áp lực ? Bạn có thường mất ngủ hay lo ngại về các kỳ thi và bài tập? Bạn có thường xuyên có những bữa ăn vội bởi lịch trình dày đặc của bạn?
Mọi người đều sẽ có cảm giác căng thẳng vào một lúc nào đó, điều này xảy ra với cả người lớn, thanh thiếu niên, và thậm chí cả trẻ em. Nhưng bạn có thể giảm sự căng thẳng bằng cách đối phó với những áp lực và các vấn đề hằng ngày, hãy giữ bình tĩnh, yêu cầu giúp đỡ khi cần, và dành thời gian để thư giãn.
Căng thẳng là gì?
Căng thẳng là phản ứng bạn có khi bạn phải đứng trước một áp lực hoặc sự đe dọa nào đó. Khi căng thẳng chúng ta có thể sẽ cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Phản ứng căng thẳng là cách cơ thể chúng ta bộc lộ ra ngoài. Căng thẳng gây ra sự gia tăng của một loại hooc môn được gọi là adrenaline, thứ ảnh hưởng tạm thời đến hệ thần kinh. Do đó, khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng, bạn có thể sẽ cảm thấy nhịp tim đập nhanh hơn hoặc thở gấp, lòng bàn tay của bạn sẽ bị đổ mồ hôi, hoặc đầu gối của bạn run. Phản ứng căng thẳng là một phản ứng của cơ thể chúng ta để đối phó với nguy hiểm.
Những tư tưởng tích cực có thể làm giảm căng thẳng. Cảm hứng nào giúp bạn cảm thấy tốt hơn?
Tuy nhiên, nhất thiết phải rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm thì cơ thể mới có phản ứng căng thẳng. Áp lực hàng ngày là một trong những nguyên do gây ra cảm giác đó. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy căng thẳng trước khi bước vào kỳ thi hoặc thuyết trình trước lớp, hay việc phải đối mặt với một đối thủ mạnh trong cuộc thi đấu thể thao, hoặc biểu diễn trên sân khấu.
Đối với những trường hợp tương tự như này, phản ứng căng thẳng có thể sẽ giúp bạn thực hiện công việc tốt hơn. Nó đẩy bạn phải đối mặt với một thách thức và bạn thật sự tỉnh táo, tập trung. Bạn phải đối mặt với những thách thức này, chứ không phải bỏ trốn, điều này giúp bản thân bạn học hỏi và phát triển.
Khi thử thách kết thúc, phản ứng căng thẳng sẽ không còn. Bạn có thể thư giãn, hãy nạp lại năng lượng, và sẵn sàng cho một thách thức mới.
Nếu sự căng thẳng không giảm bớt?
Sự căng thẳng không phải lúc nào cũng phản ứng ra ngoài ngay lập tức ít nhất là đối với những việc diễn ra quá nhanh. Với những việc như: ly hôn hoặc di chuyển đến một khu phố với hàng xóm mới hoặc chuyển trường, cũng có thể gây ra căng thẳng.
Các tình huống khiến tình trạng căng thẳng kéo dài có thể khiến bản thân bạn phải chịu đựng, điều đó cũng khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc bị choáng. Hãy tìm ra cách để đối phó với những tình huống này để ngăn điều này xảy ra, và tránh bị căng thẳng trong thời gian dài. Đôi khi, người ta cần được giúp đỡ để đối phó với các tình huống khó khăn dẫn đến căng thẳng hoặc lo lắng, bồn chồn.
Học cách kiểm soát sự căng thẳngDưới đây là một vài việc có thể giúp bạn:
- Giảm bớt sự quá tải: Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, hãy xem xét cắt bớt một hoặc hai hoạt động trong thời gian biểu của mình, chỉ nên giữ lại những gì quan trọng nhất, cần làm nhất đối với bạn.
- Hãy thực tế: Đừng cố gắng trở thành người hoàn hảo, thực tế là không ai trong chúng ta hoàn hảo. Chúng ta không nên đặt quá nhiều áp lực không cần thiết cho bản thân, thay vào đó nếu bạn cần giúp đỡ về một mặt nào đó như sự giúp sức trong học tập hoặc đối mặt với sự mất mát, hãy yêu cầu sự trợ giúp.
- Ngủ ngon: Đây là điều cần thiết cho bạn, bởi một giấc ngủ đủ có thể duy trì cho cơ thể và trí óc của bạn luôn ở trạng thái tỉnh táo, giúp bạn đối phó với mọi căng thẳng hay áp lực. Bởi “đồng hồ sinh học” thay đổi trong độ tuổi dậy thì, nhiều thanh thiếu niên thích ngủ ít hơn vào ban đêm song số khác thì lại thích ngủ một chút vào buổi sáng. Nhưng nếu bạn thức khuya và vẫn phải thức dậy sớm để đi học, bạn có thể sẽ không có đủ tỉnh táo bạn cần.
- Học cách thư giãn: Thuốc giải tự nhiên mà cơ thể tiết ra khi đối mặt với căng thẳng đó chính là trạng thái thư giãn. Đây là điều ngược lại với sự căng thẳng, đó là cảm giác hạnh phúc và sự bình tĩnh. Bạn có thể có được cảm giác này chỉ đơn giản bằng cách thư giãn. Hãy thử học và thực hiện các bài tập thở đơn giản.
- Dành thời gian cho các hoạt động giải trí: Khi xây dựng thời gian biểu và lịch làm việc của bạn đừng quên cho thêm vào đó những hoạt động mà bạn yêu thích, ví dụ như đọc một quyển sách hay, chơi với thú cưng của bạn, làm nghệ thuật hoặc nghe nhạc, dành thời gian với những người có tư duy tích cực.
- Đối xử tốt với cơ thể: Tập thể dục thường xuyên và ăn uống đủ chất để giúp cơ thể hoạt động tốt nhất. Khi bạn căng thẳng, bạn rất dễ rơi vào tình trạng ăn uống qua loa hoặc dùng những thức ăn nhanh. Tuy nhiên, bạn cần biết càng trong điều kiện căng thẳng, thì chú ý tới dinh dưỡng quan trọng hơn bao giờ hết.
- Hãy thay đổi cách suy nghĩ: Quan điểm, thái độ và lối suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận mọi thứ. Ví dụ khi bạn rót nước vào cốc, bạn nhìn thấy cốc nước của bạn đầy một nửa hay vơi một nửa? Sự lạc quan vui vẻ có thể giúp bạn thực hiện công việc một cách tốt nhất kể cả khi bạn đang thấy vô cùng căng thẳng. Thông qua đây bạn còn có thể học thêm được nhiều bài học cho bản thân.
- Giải quyết từng vấn đề nhỏ: Hãy hành động để giải quyết các vấn đề thay vì trốn tránh. Ví dụ, nếu bạn đang bị áp lực về bài tập về nhà, hãy ngồi xuống và viết ra các kế hoạch để thực hiện, càng chi tiết càng tốt.
- Xây dựng các mối quan hệ tích cực: Chúng ta luôn biết rằng, trong cuộc sống hàng ngày sẽ luôn có những người đặt niềm tin vào chúng ta và ta cũng có thể tin tưởng họ. Họ luôn thúc đẩy hỗ trợ chúng ta trong việc đối mặt với những thách thức. Hãy yêu cầu sự giúp đỡ bất cứ khi bạn cần. Hãy chia sẻ những gì bạn đang phải trải qua, cho dù nó là điều xấu hay tốt đẹp.
Sự căng thẳng sẽ đi kèm các thách thức, bạn nên chuẩn bị sẵn một vài kế hoạch để đối mặt với căng thẳng. Kỹ năng quản lý căng thẳng cần phải được luyện tập, vậy nên hãy cố gắng tập luyện càng nhiều càng tốt. Khi bạn đã có kỹ năng kiểm soát căng thẳng tốt với sự cùng bình tĩnh, bạn có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Nguồn: D’Arcy Lyness, Ph D