Eric đã đi điều trị một vài năm trước đây khi bố mẹ anh ấy ly hôn. Mặc dù bây giờ anh ấy không còn cần phải đi tới gặp nhà trị liệu nữa, song anh ấy cảm thấy rằng 2 tháng anh ta dành thời gian chữa trị bằng liệu pháp này đã giúp anh ấy vượt qua những thời kỳ khó khăn khi bố mẹ anh ta phải giải quyết những sự khác biệt của họ.
Melody bắt đầu gặp bác sĩ trị liệu khoảng một năm về trước khi cô bị bắt nạt ở trường. Cứ 2 tuần một lần, cô ấy tới gặp bác sĩ trị liệu, cô ấy cảm thấy rằng việc đó khiến cô ấy cảm thấy tự trọng hơn.
Britt và bạn của cô là Dana vừa tham gia vào một nhóm trị liệu ở trường học của cô vì chứng rối loạn ăn uống.
Vào những khoảng thời gian trước kia, khi bố mẹ chúng ta còn đang đi học, việc đi đến gặp các bác sĩ điều trị tâm lý là việc rất khó khăn. Bây giờ điều đó trở nên phổ biến hơn và cũng được chấp nhận rộng rãi hơn. Rất nhiều thiếu niên tự hỏi liệu rằng liệu pháp trị liệu có thể giúp họ hay không.
Một số lý do trẻ vị thành niên đến gặp các nhà trị liệu:
Khi trẻ ở tuổi vị thành niên trải qua thời gian khó khăn, chẳng hạn như gặp rắc rối trong vấn đề gia đình hoặc vấn đề ở trường học, họ cảm thấy cần được hỗ trợ và việc họ nói chuyện với các chuyên gia trị liệu, nó khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Đôi khi trẻ cảm thấy buồn, tức giận, hoặc bị choáng ngợp bởi những chuyện đang xảy ra – và cần được giúp đỡ để phân loại cảm xúc của họ, tìm giải pháp cho các vấn đề của họ, và khiến họ cảm thấy tốt hơn.
Nếu bạn có những biểu hiện sau, hãy tới gặp và xin trợ giúp của các bác sĩ trị liệu:
- Cảm thấy buồn, chán nản, lo lắng, nhút nhát.
- Ăn kiêng hoặc ăn quá nhiều trong một thời gian dài hoặc bạn có vấn đề về rối loạn ăn uống.
- Vết cắt, bỏng trên cơ thể, hoặc có hành động tự huỷ hoại bản thân.
- Có những vấn đề phải lo nghĩ quá mức hoặc các vấn đề trong học tập.
- Đang phải đối mặt với một căn bệnh mãn tính (như tiểu đường hay hen suyễn) hoặc bị chẩn đoán một bệnh nghiêm trọng như HIV, ung thư hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD).
- Đang giải quyết vấn đề thay đổi trong gia đình như ly thân, ly dị, hoặc các vấn đề trong gia đình như có người nghiện rượu hay nghiện ngập.
- Gặp phải chấn thương, sự qua đời của một người thân, hoặc quá lo lắng về các sự kiện thế giới.
- Có những thói quen mà họ muốn loại bỏ, chẳng hạn như cắn móng tay, giật tóc, hút thuốc, hoặc tiêu quá nhiều tiền hoặc bị nghiện thuốc, thuốc phiện.
- Muốn kiểm soát sự tức giận hoặc đối phó với áp lực của bạn bè.
- Muốn xây dựng lòng tự tin hoặc muốn kết thân nhiều bạn bè.
Nói tóm lại, phương pháp trị liệu là phương pháp hỗ trợ mọi người khi gặp khó khăn.
Chúng ta đều biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn đang phải trải qua giai đoạn khó khăn là điều gì đó rất khó khăn. Bạn có thể muốn tới gặp bác sĩ trị liệu cũng có thể không. Đôi lúc chính cha mẹ hoặc giáo viên là người khuyến khích bạn đi gặp họ vì họ nhận thấy rằng người mà họ quan tâm đang phải đối phó với những tình huống khó khăn, hoặc đang giảm cân, hoặc có vẻ có tâm trạng buồn bã, lo lắng, giận dữ. Một số người khi ở trong tình huống này họ có thể thích ý tưởng này hoặc thậm chí cảm thấy nhẹ nhõm khi đến gặp bác sĩ trị liệu. Những người khác lại có thể cảm thấy như bị ai đó chỉ trích nếu họ đến gặp bác sĩ trị liệu hoặc cảm thấy xấu hổ và không chắc chắn việc tới gặp bác sĩ trị liệu có giúp họ giải quyết được vấn đề hay không.
Đôi khi giáo viên, cha mẹ hoặc những người làm ở tòa án nói rằng họ cần phải đi gặp bác sĩ trị liệu vì họ đã có những hành xử theo những cách không thể chấp nhận được, bất hợp pháp, những hành động nguy hiểm.
Liệu pháp tâm lý là gì?
Liệu pháp tâm lý không chỉ dành cho những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Có thể bạn đã nghe người khác thảo luận về các loại trị liệu y tế khác, chẳng hạn như trị liệu thể chất hoặc hóa trị. Nhưng từ “liệu pháp tâm lý” được sử dụng chưa nhiều, đôi khi nó được hiểu là cách chữa bệnh bằng biện pháp nói chuyện, hay những tên gọi khác, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn đối phó với căng thẳng và các vấn đề bạn gặp phải.
Liệu pháp tâm lý là một quá trình giống với việc học tập. Thông qua việc điều trị, người ta hiểu về bản thân mình hơn. Họ khám phá ra những cách để vượt qua khó khăn, phát triển thế mạnh của bản thân hoặc các kỹ năng cần có để thay đổi bản thân hoặc giải quyết tình huống họ gặp phải. Thường thì con người sẽ cảm thấy tốt hơn khi được nói ra, và việc học các kỹ thuật để đối phó với căng thẳng là một trong những cách thiết thực.
Nhà tâm lý trị liệu (hay thường gọi là bác sĩ trị liệu) là những người đã được đào tạo chuyên nghiệp để giúp mọi người đối phó với căng thẳng hoặc các vấn đề khác mà họ gặp trong đời sống. Các nhà tâm lý học, nhân viên xã hội, nhân viên tư vấn và nhà tâm lý ở trường là những người được cấp giấy phép hành nghề. Các chữ cái viết tắt sau tên (ví dụ MD, PhD, PsyD, EdD, MA, LCSW, LPC) đề cập tới trình độ học vấn và bằng cấp của họ.
Một số nhà trị liệu chỉ chuyên trị bệnh cho một nhóm tuổi nhất định hoặc về một loại bệnh cụ thể. Các nhà trị liệu khác điều trị sự pha trộn của độ tuổi và các vấn đề. Một số làm việc tại bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm tư vấn. Những người khác làm việc trong các trường học hoặc trong các cơ sở tâm lý trị liệu, thường được gọi là “thực hành riêng” hoặc “tập thể”.
Nhà trị liệu làm gì?
Hầu hết các nhà trị liệu sẽ lắng nghe và nói chuyện, củng cố niềm tin, và hỗ trợ và hướng dẫn các bệnh nhân. Họ cũng sẽ gợi ý những đầu sách hay cho mọi người đọc và làm theo, hoặc một tờ tạp chí. Một số người lại muốn thể hiện bản thân mình bằng cách học về nghệ thuật hoặc vẽ. Những người khác lại cảm thấy nói chuyện là cách thức khiến họ thấy thoải mái.
Khi một người đến gặp nhà trị liệu và chia sẻ về tình huống khó khăn mà họ gặp phải, điều này sẽ giúp các nhà trị liệu nắm được hoàn cảnh của họ. Nhà trị liệu và khách hàng sẽ làm việc cùng nhau để tìm ra cách trị liệu và giúp cho họ có thể tìm ra cách giải quyết, đưa họ trở về với cuộc sống bình thường.
Có thể sẽ phải mất một vài cuộc gặp mặt với nhà trị liệu trước khi mọi người thực sự cảm thấy họ có thể chia sẻ những nội dung cá nhân. Đó là điều tự nhiên. Sự tin tưởng là một phần thiết yếu trong liệu pháp trị liệu, điều này đòi hỏi sự cởi mở và trung thực khi nói về các chủ đề nhạy cảm như cảm xúc, suy nghĩ, mối quan hệ, thất vọng và sự hy vọng. Các nhà trị liệu hiểu rằng đôi khi mọi người cần thời gian để cảm thấy thoải mái khi chia sẻ thông tin cá nhân.
Thông thường các cuộc gặp mặt giữa nhà trị liệu với các bệnh nhân là những cuộc gặp mặt riêng tư, một đối một. Song có những lúc họ có thể phải làm việc với cả gia đình (đây gọi là liệu pháp gia đình) hoặc một nhóm người đang phải đối phó với các vấn đề tương tự (gọi là nhóm điều trị hoặc một nhóm hỗ trợ). Liệu pháp gia đình giúp cho các thành viên trong gia đình có cơ hội nói chuyện với nhau với sự giúp đỡ từ nhà trị liệu để giải quyết các vấn đề liên quan. Điều trị theo nhóm hoặc các nhóm hỗ trợ giúp họ có cảm giác được cho đi và nhận lại sự hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau với nhà trị liệu bằng cách thảo luận về những vấn đề chung giữa họ.
Điều gì diễn ra trong quá trình điều trị?
Nếu bạn gặp chuyên gia trị liệu, họ sẽ trao đổi về cảm xúc, suy nghĩ, mối quan hệ của bạn. Ban đầu, các buổi trị liệu sẽ tập trung vào việc thảo luận về việc cần làm và đặt ra mục tiêu. Ví dụ như:
- Nâng cao lòng tự trọng và đạt được sự tự tin.
- Kết thêm bạn bè.
- Giảm thiểu sự lo lắng và chán nản.
- Nâng cao khả năng học tập.
- Học cách kiểm soát sự tức giận và thất vọng.
- Đưa ra các sự lựa chọn tốt cho bản thân (ví dụ như về mối quan hệ hoặc ăn uống) và chấm dứt hành vi tự ngược đãi bản thân.
Trong lần gặp đầu tiên, bác sĩ trị liệu của bạn có thể sẽ yêu cầu bạn nói về bản thân. Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn, chuyên gia trị liệu cũng có thể sẽ cần gặp bố mẹ hoặc người chăm sóc và yêu cầu bạn xem xét các thông tin cần bảo mật.
Cuộc nói chuyện đầu tiên có thể kéo dài hơn những buổi trị liệu thông thường và cuộc nói chuyện này thường được gọi là cuộc phỏng vấn để thu thập thông tin. Điều này giúp chuyên gia trị liệu hiểu bạn hơn, và để bạn xem rằng bạn có cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với họ hay không. Nhà trị liệu có thể hỏi về các vấn đề, mối quan tâm, và các triệu chứng mà bạn có thể gặp phải, hoặc những vấn đề mà cha mẹ hoặc giáo viên quan tâm.
Sau một hoặc hai lần như vậy, bác sĩ trị liệu có thể chia sẻ với bạn về những gì đang xảy ra với bạn, về các phương pháp trị liệu có thể giúp ích và những việc cần làm trong suốt quá trình. Bạn và nhà trị liệu của bạn sẽ đặt ra mục tiêu điều trị và lên lịch điều trị. Có thể là mỗi tuần một lần, hàng tuần, hoặc mỗi tháng một lần.
Khi nhà trị liệu hiểu hơn về con người của bạn, họ có thể dạy cho bạn những kỹ năng mới hướng bạn suy nghĩ theo chiều hướng mới. Ví dụ, các nhà trị liệu có thể giúp mọi người phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn hoặc xây dựng kỹ năng đối phó, bao gồm các cách để xây dựng sự tự tin trong bản thân, thể hiện cảm xúc, hoặc kiểm soát sự tức giận.
Việc duy trì đi đến gặp bác sĩ trị liệu đều đặn theo lịch sẽ đảm bảo sự các biện pháp trị liệu đạt hiệu quả. Nếu nhà trị liệu đề xuất kế hoạch hoặc lịch trình mà bạn nghĩ rằng bạn khó có thể đáp ứng được hãy nói thẳng với bác sĩ trị liệu của bạn để tìm những phương án thay thế khác.
Sự riêng tư
Các nhà trị liệu tôn trọng sự riêng tư của khách hàng và họ đảm bảo giữ bí mật về mọi thông tin của khách hàng. Họ sẽ không nói với bất cứ ai khác về những gì được thảo luận trong các buổi trị liệu, kể cả đó có là cha mẹ, trừ khi người đó cho phép. Ngoại lệ duy nhất là khi các nhà trị liệu tin rằng khách hàng của họ có thể tự làm hại bản thân hoặc làm hại đến người khác.
Nếu vấn đề riêng tư và bí mật khiến bạn lo ngại, hãy nói với bác sĩ trị liệu của bạn về điều đó trong cuộc gặp mặt đầu tiên. Điều quan trọng là bạn cần cảm thấy thoải mái với bác sĩ trị liệu của bạn để có thể nói chuyện cởi mở hơn về tình huống của bạn.
Liệu họ có coi tôi bị điên khi đến gặp bác sĩ tâm lý?
Không. Trên thực tế, nhiều người ở lứa tuổi của bạn có thể đã đến gặp bác sĩ trị liệu tại một thời điểm nào đó, giống như việc học sinh thường cần gia sư hoặc huấn luyện viên để được giúp đỡ thêm trong việc học hoặc chơi thể thao. Tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc đối phó với những cảm xúc và những tình huống căng thẳng cũng là điều cần thiết và quan trọng đối với sức khoẻ của bạn, cũng như việc bạn nhận được sự trợ giúp khi điều trị các bệnh như hen suyễn hoặc tiểu đường.
Không có gì sai nếu bạn cần sự giúp đỡ với các vấn đề khó giải quyết một mình. Trên thực tế, thì điều đó ngược lại. Bạn phải thật sự can đảm và trưởng thành để tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề thay vì bỏ cuộc hoặc không dám đối mặt bởi điều đó chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn nghĩ rằng liệu pháp trị liệu có thể giúp bạn giải quyết vấn đề, hãy hỏi người lớn người mà bạn tin tưởng – như cha mẹ, những người tư vấn ở trường, hoặc bác sĩ để giúp bạn tìm một nhà trị liệu.
Tuy nhiên sẽ có những người phản đối cách đến gặp bác sĩ trị liệu bởi họ cho rằng việc đó không thiết thực hoặc đấy là suy nghĩ lỗi mốt. Những năm trước đây mọi người chưa có nhiều kiến thức về trí não hay sự kết nối giữa cơ thể và tinh thần, nên họ gần như luôn tự đối đầu và giải quyết các vấn đề của bản thân một mình. Việc điều trị bằng liệu pháp tâm lý gần như được biết đến là liệu pháp chỉ dành cho những người có bệnh về tâm thần, tuy nhiên đó là cách hiểu chưa đúng.
Liệu pháp tâm lý giúp mọi người ở mọi lứa tuổi giải quyết các vấn đề của họ từ bình thường tới mức độ phức tạp. Tuy nhiên, một số người vẫn giữ quan điểm về liệu pháp này theo cách nghĩ ngày xưa chẳng hạn như họ nghĩ rằng trẻ vị thành niên khi trải qua những vấn đề, những rắc rối sẽ trưởng thành hơn. Nếu người lớn trong gia đình bạn dường như không có hứng thú về cách điều trị này, hãy đề cập việc đó với những người làm tư vấn viên ở trường học, huấn luyện viên hoặc bác sĩ.
Bạn không cần phải giấu việc bạn đang tìm gặp một nhà trị liệu, và bạn cũng không cần phải nói cho ai biết nếu bạn không muốn. Một số người thấy rằng nói chuyện với một vài người bạn thân của họ giúp họ giải quyết các vấn đề của họ và cảm thấy họ không cô đơn. Song có người lại không muốn nói với bất cứ ai, đặc biệt là nếu họ cảm thấy rằng người đó sẽ không hiểu. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, đó là quyết định của cá nhân bạn.
Cách giúp họ chữa khỏi?
Việc điều trị này nhanh hay chậm phụ thuộc vào lý do tại sao bạn đến gặp nhà trị liệu. Ví dụ, một số người đến để giải quyết những vấn đề cụ thể, những người khác muốn có những sự lựa chọn tốt, và có những người muốn có một sự khởi đầu mới sau những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Liệu pháp trị liệu này có thể giúp mọi người cảm thấy tốt hơn, mạnh mẽ hơn, và có những lựa chọn tốt cũng như khám phá thêm về chính bản thân mình. Những người làm việc với các nhà trị liệu có thể tìm hiểu về các động cơ của những hành động, phát hiện thêm những điểm mạnh bên trong họ. Có thể bạn cũng sẽ được học các kỹ năng đối phó mới, kiên nhẫn hơn, hoặc học cách yêu bản thân hơn. Bạn cũng sẽ tìm thấy những cách mới để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, học những cách mới để đối phó với những tình huống khó khăn.
Những người sau khi làm việc với các nhà trị liệu, họ thường thấy rằng họ học được rất nhiều điều từ bản thân và liệu pháp trị liệu đó có thể giúp họ phát triển và trưởng thành hơn. Rất nhiều người đã khám phá ra rằng những công cụ mà họ học thông qua liệu pháp trị liệu khiến họ cảm thấy mạnh mẽ hơn và có khả năng giải quyết được dù trong bất cứ tình huống nào. Nếu bạn muốn tìm hiểu về quá trình trị liệu, hãy trao đổi với nhân viên tư vấn hoặc nhà trị liệu.
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D
Hiệu đính: Nguyễn Hằng