Nếu bạn cảm thấy e dè, căng thẳng, hoặc nhút nhát trước đám đông, hãy cảm thấy đó là điều hoàn toàn bình thường. Bất cứ ai cũng có thể bị tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, hoặc tức bụng khi thử hát đồng thanh, hay ngày đầu hẹn hò, hoặc trình bày một vấn đề gì đó trước lớp học.
Hầu hết mọi người đều có thể kiểm soát và vượt qua những khoảnh khắc mà họ cần phải vượt qua. Tuy nhiên với một vài người, nỗi lo âu cùng với sự xấu hổ và e dè dường như khó có thể kiểm soát. Có vẻ như rất khó cho họ có thể đưa ra được câu trả lời trước lớp, không dám giao tiếp bằng ánh mắt với bạn cùng lớp trong hành lang, hoặc tránh trò chuyện với những người khác khi đang ăn trưa.
Khi mọi người cảm thấy tự ti và lo lắng, điều đó sẽ khiến họ hầu như không dám nói trước đám đông, điều này còn hơn cả nhút nhát. Đây là một trạng thái lo âu có tên gọi là ám ảnh xã hội.
Ám ảnh xã hội là gì?
Ám ảnh xã hội (còn gọi là lo âu xã hội) là một loại vấn đề liên quan đến lo lắng. Đó là cảm giác nhút nhát và e dè tạo nên một nỗi sợ hãi mạnh mẽ. Điều này dẫn đến việc một người cảm thấy khó chịu khi phải tham gia vào các hoạt động xã hội hàng ngày.
Những người bị ám ảnh xã hội thường có thể tương tác dễ dàng với gia đình và một vài người bạn thân. Nhưng khi họ gặp gỡ những người mới, nói chuyện trong nhóm đông hoặc nói chuyện trước đám đông họ lại trở nên nhút nhát.
Với sự ám ảnh xã hội, một người sẽ nhút nhát, e dè, lo ngại và sự lúng túng khi xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Thay vì tham gia hết mình vào các hoạt động xã hội, những người mắc chứng ám ảnh xã hội có thể sợ hãi và thậm chí né tránh hoàn toàn.
Phản ứng sợ hãi
Giống như các nỗi ám ảnh khác, ám ảnh xã hội là phản ứng sợ hãi với một cái gì đó không thực sự nguy hiểm, mặc dù cơ thể và trí tuệ phản ứng như thể sự nguy hiểm có tồn tại. Điều này đồng nghĩa với việc ai đó cảm thấy những thay đổi của cơ thể khi có cảm giác sợ hãi, như nhịp tim đập nhanh hơn và thở gấp. Đây là một phản ứng của cơ thể để chiến đấu lại nỗi sợ hãi. Chúng được gây ra bởi một chất tên là adrenaline và các hóa chất khác để giúp cơ thể đối phó với nỗi sợ hãi.
Cơ chế sinh học này xuất hiện khi chúng ta cảm thấy sợ hãi. Đó là một phản ứng hệ thống thần kinh được xây dựng nhằm cảnh báo chúng ta về nguy hiểm để chúng ta có thể tự bảo vệ mình. Những người mắc chứng ám ảnh xã hội, phản ứng này xuất hiện thường xuyên, mạnh. Bởi những cảm giác trên cơ thể thường đi kèm với các phản ứng và đôi khi khá mạnh, lúc này mối nguy hiểm có vẻ như có thật. Điều đó khiến một người bỗng dưng không biết phải làm gì và không có khả năng phản ứng lại.
Khi cơ thể trải qua những cảm giác này, tâm trí sẽ có cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng.
Những người bị chứng ám ảnh xã hội có xu hướng giải thích những cảm giác và cảm xúc này là cách khiến họ tránh được tình huống (“Ôi, tim tôi đang đập rất nhanh, có vẻ như việc này rất nguy hiểm và tôi không nên làm nó thì hơn!”). Song đối với người khác, họ có thể giải thích những cảm giác căng thẳng như vậy theo một cách khác (“OK, đó chỉ đơn giản là do tim tôi đập nhanh hơn bình thường thôi, tôi lo lắng chỉ vì sắp đến lượt tôi lên nói, lần nào cũng vậy mà, đây chẳng phải vấn đề gì to tát.)
Chứng ám ảnh xã hội tác động như nào?
Với nỗi ám ảnh xã hội, nỗi sợ hãi và lo ngại sẽ tác động đến phong thái và cách mỗi người biểu đạt ra ngoài, cho dù đó là một bài thuyết trình trên lớp hoặc đó chỉ là một cuộc nói chuyện nhỏ.
Những người bị chứng ám ảnh xã hội có khuynh hướng cảm thấy e dè và không thoải mái về việc bị người khác để ý hoặc đánh giá. Họ rất nhạy cảm, họ sẽ thấy xấu hổ, ngốc nghếch khi phạm phải sai lầm, bị chỉ trích hoặc bị cười. Không ai muốn trải qua những điều này, nhưng hầu hết mọi người không quá lo nghĩ về nó.
Chứng ám ảnh xã hội ảnh hưởng tới cuộc sống mỗi người ra sao?
Với chứng bệnh ám ảnh xã hội, những suy nghĩ và nỗi sợ hãi về những gì người khác nghĩ đã bị phóng đại trong tâm trí của người mắc bệnh. Họ bắt đầu tập trung vào những điều xấu hổ có thể xảy ra, thay vì những điều tốt đẹp. Điều này làm cho tình hình có vẻ trở nên tồi tệ hơn nhiều và nó khiến người đó luôn muốn lảng tránh vấn đề thay vì đối diện.
Một số ảnh hưởng đến cuộc sống:
- Cảm thấy cô đơn hoặc thất vọng về những cơ hội dành cho bạn bè hoặc vui chơi: Ám ảnh xã hội có thể khiến ai đó không muốn trò chuyện với bạn bè trong phòng ăn trưa, tham gia một câu lạc bộ sau giờ học, đi dự tiệc, hoặc thăm hỏi ai đó.
- Để lỡ nhiều điều quan trọng trên trường lớp: Ám ảnh xã hội có thể khiến cho một người không dám xung phong trả lời bài trên lớp, đọc to hoặc thuyết trình. Một người mắc chứng ám ảnh xã hội có thể cảm thấy quá lo lắng khi đặt một câu hỏi trong lớp hoặc đến gặp giáo viên để được giúp đỡ.
- Mất cơ hội chia sẻ tài năng của mình và học những kỹ năng mới: Ám ảnh xã hội có thể khiến họ ngại khi tham gia vào các cuộc thử giọng, chơi ở trường, tham gia chương trình tài năng, tham gia vào một đội hoặc tham gia vào một dự án dịch vụ. Ám ảnh xã hội không chỉ ngăn cản mọi người thử những điều mới, mà nó cũng khiến họ không thể sống cuộc sống bình thường, việc phạm sai lầm có thể giúp con người trưởng thành bằng cách phát triển những kỹ năng.
Bệnh câm chọn lọc
Một số trẻ em và thanh thiếu niên cực kỳ nhút nhát và sợ hãi khi nói chuyện với người khác, họ không nói bất cứ điều gì với một vài người nhất định (chẳng hạn như giáo viên hoặc các bạn học sinh mà họ không biết) hoặc ở một số nơi (như ở nhà của người khác ). Hình thức ám ảnh xã hội này đôi khi được gọi là bệnh câm chọn lọc.
Những người mắc chứng câm chọn lọc có thể nói chuyện. Họ có thể trò chuyện hoàn toàn bình thường với những người mà họ cảm thấy thoải mái hoặc ở những nơi nhất định. Nhưng trong một vài tình huống, họ lo lắng đến mức họ không thể nói bất cứ chuyện gì cả.
Một số người có thể bị hiểu nhầm bệnh câm chọn lọc vì thái độ của họ hoặc bị cho là vô lễ, khiếm nhã. Nhưng cần phải hiểu rằng đối với bệnh câm chọn lọc và ám ảnh xã hội, sự im lặng bắt nguồn từ cảm giác không thoải mái và sợ hãi, không phải vì họ không muốn hợp tác, thiếu tôn trọng, hay khiếm nhã.
Tại sao có những người bị mắc chứng ám ảnh xã hội?
Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn có thể có bị mắc chứng ám ảnh xã hội. Đa phần, nó bắt đầu từ hồi còn trẻ. Giống như các vấn đề lo âu khác, ám ảnh xã hội phát triển do sự kết hợp của ba yếu tố:
• Đặc tính sinh học của một người
Ám ảnh xã hội có thể do một phần bởi yếu tố di truyền và tính khí được thừa kế trong gia đình. Các đặc tính di truyền được kế thừa từ cha mẹ và người thân khác có thể ảnh hưởng đến cảm giác của não bộ và chính cái đó tạo ra sự lo lắng, nhút nhát, và phản ứng căng thẳng. Tương tự như vậy, một số người được sinh ra với tính khí nhút nhát và có khuynh hướng thận trọng hơn trong mọi việc và nhạy cảm trong những tình huống mới, họ thích những gì quen thuộc hơn. Hầu hết những người mắc chứng ám ảnh xã hội luôn có tính khí nhút nhát. Xong không phải ai cũng có tính khí nhút nhát khi bị mắc chứng ám ảnh xã hội (trên thực tế, thì hầu hết không). Nó giống với yếu tố di truyền, nhưng những người kế thừa những đặc điểm này sẽ có cơ hội mắc chứng ám ảnh xã hội cao hơn.
• Các thói quen, hành vi bắt chước (đặc biệt là cha mẹ)
Tính khí nhút nhát tự nhiên của một người có thể bị ảnh hưởng bởi những gì họ tiếp xúc hoặc bắt chước. Nếu cha mẹ hoặc người khác phản ứng bằng cách bảo vệ quá mức thì đứa trẻ dễ bị ngại ngùng, trẻ sẽ không có cơ hội để quen với tình huống mới và người mới. Theo thời gian, sự nhút nhát đó có thể trở thành nỗi ám ảnh xã hội. Cha mẹ có tính cách ngại ngùng cũng có thể vô tình khiến trẻ tránh một số tương tác xã hội nhất định. Đứa trẻ khi quan sát những điều đó nhất định nó sẽ cảm nhận rằng việc giao tiếp xã hội là không thoải mái, việc đó gây cho nó lo lắng, và nó cần phải tránh.
• Các sự kiện và kinh nghiệm sống
Nếu những người mới sinh ra với môi trường sống đầy căng thẳng xung quanh, điều đó có thể khiến cho họ thậm chí còn thận trọng hơn và nhút nhát hơn bình thường. Dưới những áp lực đó, khi cần phải tương tác họ luôn không cảm thấy sẵn sàng, bị chỉ trích hoặc bị làm nhục, hoặc có những nỗi sợ hãi và lo lắng khác có thể làm cho họ thấy xấu hổ và dễ mắc phải chứng ám ảnh xã hội. Những người liên tục nhận được các phản ứng phê bình hoặc không tán thành có thể luôn nghĩ rằng người khác sẽ đánh giá họ theo cách tiêu cực. Khi ai đó vốn đã nhút nhát bị trêu chọc hoặc bắt nạt, điều đó sẽ khiến họ càng muốn lẩn tránh. Họ sợ việc phạm sai lầm hoặc khiến ai đó thất vọng, và sẽ nhạy cảm hơn với những lời chỉ trích.
Tin tốt lành là những điều tiêu cực này có thể được dẹp bỏ nhưng cần tới sự nỗ lực chậm mà chắc. Bạn có thể học được nhiều điều từ nỗi sợ hãi, hoặc không.
Đối mặt với nỗi ám ảnh xã hội
Những người bị ám ảnh xã hội có thể học cách kiểm soát nỗi sợ hãi, phát triển sự tự tin và kỹ năng đối phó, và tránh những điều làm họ lo lắng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vượt qua chứng ám ảnh xã hội có nghĩa là cần tới dũng cảm để vượt qua tất cả mọi việc với sự thoải mái, từng chút một.
Đây là những người có thể hỗ trợ và hướng dẫn bạn trong việc vượt qua nỗi ám ảnh xã hội:
• Các nhà trị liệu có thể giúp mọi người nhận ra những cảm giác được gây ra bởi thể chất, chống lại hoặc chạy trốn và dạy họ hiểu những cảm giác này theo đúng nghĩa cần hiểu. Các nhà trị liệu có thể giúp mọi người lập kế hoạch đối phó với những chứng ám ảnh xã hội và giúp họ xây dựng các kỹ năng và sự tự tin để làm điều đó. Điều này bao gồm việc thực hành những thói quen và hành vi mới. Đôi khi, các loại thuốc giảm lo âu được sử dụng như một phần trong việc điều trị chứng ám ảnh xã hội.
• Gia đình hoặc bạn bè đặc biệt quan trọng đối với những người đang phải đối mặt với chứng ám ảnh xã hội. Sự hỗ trợ đúng đắn từ những người quan trọng có thể giúp những người mắc chứng ám ảnh xã hội nhận được sự can đảm để có thể thoát khỏi chứng ám ảnh xã hội.
• Sự đổ lỗi, các bài giảng, sự phê bình và yêu cầu thay đổi không giúp ích gì được cho họ hết, điều đó chỉ khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ. Mắc chứng ám ảnh xã hội không phải là lỗi của một người và không phải là điều họ muốn. Thay vào đó, bạn bè và gia đình có thể khuyến khích những người mắc chứng ám ảnh xã hội chọn lấy cho bản thân một mục tiêu, khuyến khích động viên họ khi họ chán nản. Bạn bè và gia đình sẽ là những người luôn bên cạnh giúp đỡ họ nỗ lực vượt qua từng thứ nhỏ nhất trên cả đoạn đường dài
Vượt qua chứng ám ảnh xã hội
Đối phó với chứng ám ảnh xã hội đòi hỏi sự kiên nhẫn, can đảm để đối mặt với những nỗi sợ hãi và thử những điều mới, và sẵn lòng thực hành. Phải tự nhủ với bản thân luôn cố gắng đi tới đích thay vì nản lòng và quay lại vạch xuất phát.
Mặc dù sẽ rất lâu, xong phải đi từng bước một, khi ai đó có quyết định sẵn sàng đối phó với sự nhút nhát họ sẽ học được cách làm cho bản thân thấy thoải mái hơn. Đi từng bước nhỏ sẽ giúp bạn xây dựng đủ sự tự tin để thực hiện bước nhỏ tiếp theo. Khi sự nhút nhát và sợ hãi bắt đầu biến mất, sự tự tin và cảm xúc tích cực được xây dựng. Chẳng mấy chốc, người đó sẽ suy nghĩ ít hơn về những gì khiến họ thấy không thoải mái và suy nghĩ nhiều hơn về những gì khiến họ thấy vui vẻ.
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D