Tình bạn thay đổi ra sao ở tuổi 20, 30, 40 và cả sau đó – và làm sao để không lạc mất nhau trên hành trình trưởng thành

Tình bạn không đứng yên – và điều đó không sao cả

Ở tuổi đôi mươi, tôi có rất nhiều bạn bè để cùng ăn tối, đi chơi hay tâm sự. Có người là bạn từ thời thơ ấu, có người quen từ giảng đường đại học, có người gặp nơi công sở.

Thế rồi khi bước sang tuổi 30, 40, một số tình bạn bắt đầu nhạt dần – tự nhiên, không ồn ào. Người thì chuyển nhà, người lập gia đình, sinh con, đổi việc, đổi nhịp sống, đổi luôn cả quan điểm về điều gọi là “niềm vui”.

Nhưng cũng có những tình bạn – dù mỗi người một ngả – vẫn ở lại, vẫn lớn lên cùng nhau. Dù phải nỗ lực để giữ, chúng vẫn là minh chứng rằng có những kết nối thật sự vượt thời gian. Và trên hành trình làm cha mẹ gần hai mươi năm, tôi lại gặp thêm những người bạn mới – có người đi cùng một đoạn ngắn, có người ở lại đến tận bây giờ.

Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi ấy là điều hoàn toàn bình thường. Một nghiên cứu chỉ ra rằng sau tuổi 25, số lượng bạn bè thường giảm dần cho đến khoảng 45 tuổi. Từ 45 đến 55, con số ấy có xu hướng ổn định trở lại.

Chuyên gia giáo dục về tình bạn, Danielle Bayard Jackson, nói một câu mà tôi luôn nhớ:

Một số tình bạn sẽ bền lâu, một số thì không – và điều đó không phản ánh giá trị của bạn. Không phải vì bạn không đủ tốt, cũng không phải vì tình bạn ấy là giả tạo. Đơn giản, đó là dòng chảy tự nhiên của cuộc sống. Đôi khi, những người mới bước vào đời ta lại chính là mảnh ghép phù hợp nhất cho phiên bản hiện tại của chính mình”

Và tôi học được rằng:
Tình bạn không cần phải giữ nguyên như xưa để được gọi là thật.
Chỉ cần có lúc, ta đã từng là người quan trọng trong đời nhau – như thế, cũng đủ đầy.

Hành trình tiến hóa của tình bạn theo từng thập kỷ cuộc đời

Trong những năm còn đi học, ta dễ dàng kết bạn nhờ cùng trải qua những giai đoạn tương tự, có chung môi trường sinh hoạt và hoạt động. Khi bước vào độ tuổi đôi mươi, yếu tố “gần gũi về không gian” bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong việc hình thành các mối quan hệ.


“Đó là lý do vì sao nhiều người trẻ nói rằng họ có những người bạn thân hơn ở nơi làm việc – thậm chí những người đó lớn tuổi hơn,” chuyên gia công tác xã hội lâm sàng Kelley Kitley chia sẻ. “Chúng ta dành rất nhiều thời gian ở công sở và dễ nảy sinh sự đồng cảm, kết nối qua công việc.”

Kitley cũng nhận định rằng khi chuyển đến các thành phố lớn, con người có xu hướng cởi mở hơn với việc kết bạn mới – so với những người sống lâu năm ở cùng một nơi.

Tuổi 30: Tình bạn gắn bó qua trải nghiệm chung, nhưng thời gian rảnh ít dần

Bước sang tuổi 30, tình bạn thường được củng cố qua những trải nghiệm sống tương đồng – như kết hôn, làm cha mẹ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy độ tuổi 30 và 40 là giai đoạn con người có ít thời gian rảnh nhất trong đời.

“Thời điểm này, tình bạn ít thiên về việc kết giao mới, mà nghiêng nhiều hơn về việc giữ gìn và duy trì các mối quan hệ hiện có,” theo Danielle Bayard Jackson – chuyên gia giáo dục về tình bạn.

Những người bạn không còn đồng điệu về hoàn cảnh sống có thể bắt đầu xa cách một cách tự nhiên.

“Và điều đó không có gì sai,” Kitley nói. “Không cần phải mang nặng cảm giác tiếc nuối hay trách móc. Hãy coi sự thay đổi này như một phần tự nhiên trong tiến trình phát triển của con người – và biết ơn vì tình bạn ấy đã từng hiện diện.”

Tuổi 40: Chủ động chọn lọc và trân trọng tình bạn thực sự có ý nghĩa

Khi bước vào tuổi 40, con người có xu hướng chủ động và có chọn lọc hơn với những mối quan hệ mình muốn gìn giữ – bởi cuộc sống lúc này là sự đan xen giữa công việc, nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ lớn tuổi.

“Ở độ tuổi này, chúng ta cũng thường trở nên hoài niệm hơn – và có thể chủ động liên lạc lại với những người bạn cũ trong quá khứ,” Kitley chia sẻ thêm.

Sau tuổi 50: Kết nối lại cộng đồng, tìm ý nghĩa qua những mối quan hệ mới

Khi bước sang tuổi 50, 60 và cả sau khi nghỉ hưu, những người bạn từng thân quen – như hàng xóm hay phụ huynh của bạn bè con cái – có thể bắt đầu chuyển đi nơi khác hoặc nghỉ hưu. Việc kết bạn ở giai đoạn này không còn dễ dàng như thời còn đi học hay đi làm.“Ở độ tuổi trung niên, việc làm quen bạn mới có thể không còn tự nhiên như trước. Nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy sự kết nối và mục đích sống khi tham gia vào những hoạt động cộng đồng phù hợp với sở thích: nhóm đi bộ, câu lạc bộ sách, hoạt động thiện nguyện…” – Kitley gợi ý.

Giữ gìn tình bạn giữa những guồng quay tất bật: 5 cách nhỏ mà đủ lớn

1. Ưu tiên cho những người thật sự quan trọng

Thời gian và năng lượng của bạn là có giới hạn. Vì vậy, thay vì cố gắng giữ liên lạc với tất cả mọi người, hãy tự hỏi: “Ai là những người mình thật sự muốn gìn giữ trong đời?”

Danielle Bayard Jackson – chuyên gia giáo dục về tình bạn – chia sẻ:

“Nhiều người hướng ngoại cảm thấy tội lỗi khi không thể kết nối với tất cả bạn bè, và kiệt sức vì cố gắng làm hài lòng quá nhiều mối quan hệ. Nhưng tình bạn, để bền lâu, đôi khi cần được nhìn nhận một cách chiến lược: ai là người nên được ưu tiên trong giai đoạn này?”

2. Đừng ngại nói rõ mong muốn

Giống như tình yêu, tình bạn cũng cần sự chủ động và rõ ràng. Nếu bạn cảm thấy những cuộc trò chuyện vài tháng một lần là chưa đủ, hãy nói ra. Nếu bạn muốn gặp nhau thường xuyên hơn, hãy đề nghị điều đó một cách chân thành.

“Nghe có vẻ ‘quá nghiêm túc’ với một tình bạn, nhưng chính sự rõ ràng sẽ khiến đối phương dễ dàng đáp lại – và đôi khi, họ cũng đang mong chờ điều tương tự mà không dám nói,” Jackson giải thích.

Một tình bạn khỏe mạnh là nơi bạn không cần phải giấu mong muốn được kết nối nhiều hơn, vì bạn biết rằng sự chân thành của bạn luôn được trân trọng.

3. Thấu cảm, ngay cả khi không đồng hoàn cảnh

Cuộc sống thay đổi. Bạn làm mẹ, còn người kia vẫn độc thân. Bạn sống ở quê, họ ở thành phố lớn. Bạn chăm bố mẹ, họ lại loay hoay tìm việc mới. Những khác biệt đó có thể khiến chúng ta ngỡ như không còn gì để nói – nhưng sự thấu cảm lại bắt đầu từ điều đơn giản hơn: sự quan tâm không điều kiện.

“Bạn không cần phải hiểu hết chuyện của nhau, chỉ cần cho người kia biết bạn vẫn lắng nghe, vẫn quan tâm, vẫn muốn có mặt trong cuộc sống của họ – dù ở một vai trò mới,” Jackson chia sẻ.

Đừng để suy nghĩ “bạn ấy khác quá rồi” ngăn mình giữ lại một người bạn từng rất quan trọng. Thay vào đó, hãy hỏi:

“Mình có thể học cách làm bạn với người ấy – ở phiên bản mới – như thế nào?”

4. Gắn tình bạn vào chính đời sống thường nhật

Khi thời gian trở nên quý giá, việc gặp gỡ bạn bè không thể lúc nào cũng là buổi cafe 3 tiếng hay chuyến đi xa đầy ngẫu hứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải xa nhau.

Hãy “gài” tình bạn vào lịch sống của bạn:

  • Rủ nhau đi bộ thay vì ngồi quán
  • Cùng chơi thể thao, đi siêu thị, làm thiện nguyện
  • Gọi điện cố định mỗi tháng
  • Nhắn một tin nhỏ: “Tớ nghĩ đến cậu hôm nay, ổn không?”

“Đừng để tình bạn chỉ còn là những bản tóm tắt quý – một năm gặp vài lần để kể vội mọi thứ. Hãy sống cùng nhau – theo những cách đời thường nhất,” Jackson khuyên.

5. Mâu thuẫn không đáng sợ – im lặng mới là khoảng cách thực sự

Nhiều người sợ rằng mâu thuẫn sẽ phá vỡ tình bạn. Nhưng nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại: xung đột lành mạnh giúp chúng ta hiểu nhau hơn và trở nên thân thiết hơn.

“Bất cứ điều gì khiến bạn thấy không thoải mái, thấy bị bỏ qua, không được thấu hiểu… hãy nói ra,” Jackson nói. “Nếu sau khi chia sẻ, tình bạn vẫn không thể tiếp tục, có lẽ nó chưa từng đủ vững từ đầu.”

Một tình bạn thật sự là nơi bạn có thể được là chính mình – với những cảm xúc thật, mong muốn thật và giới hạn thật.

Lời kết

Tình bạn cũng như cuộc đời – không đứng yên. Sẽ có lúc gần, lúc xa, lúc dễ dàng, lúc thử thách. Nhưng nếu bạn thấy ai đó xứng đáng được giữ lại trong đời, hãy chủ động. Hãy chân thành. Và hãy linh hoạt.

Vì đôi khi, một tin nhắn nhỏ cũng có thể níu lại một tình cảm lớn.

Tác giả:  Cathy Cassata 

Dịch và hiệu đính: Dương Phương Anh

Nguồn: verywellmind

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang