Chúng ta học được gì từ người có tính tự chủ cao?

Sự tự chủ và kết quả mục tiêu của một cá nhân có mối liên kết chặt chẽ với nhau


Tự chủ là khả năng chống lại cám dỗ, chống lại xung đột giữa mong muốn cá nhân với việc đạt được mục tiêu của mình. Ví dụ, một người muốn giảm cân thì cần phải chống lại sự cám dỗ của đồ ăn vặt. Vậy, sự cám dỗ được coi là một mối đe dọa tới khả năng tự chủ của một người.

Sự cám dỗ khiến cho việc đạt được mục tiêu khó khăn hơn. Sự cám dỗ có thể đến từ những sự vật hay sự việc xảy ra hằng ngày, trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn thì là cờ bạc hay lạm dụng rượu bia. Nhiều người tin rằng nếu có tự chủ thì chúng ta sẽ thành công hơn. Để biết rõ cụ thể vì sao những người có tự chủ tốt sẽ thành công hơn thì chúng ta sẽ xem xét nghiên cứu về vấn đề này của Stavrova và đồng nghiệp.

3 lời lý giải cho liên kết giữa tự chủ và thành công:

Vì sao những người có tự chủ thường thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu? 

Thứ nhất, họ biết đặt ra nhiều chiến lược hiệu quả cho công việc (Ví dụ như: Phát triển những thói quen tốt và đúng giờ để có thể tập trung vào công việc). 

Thứ hai, mong muốn của họ có thể trở nên đơn giản hơn, không xung đột với mục tiêu nên không dễ bị xao nhãng (Ví dụ: Mong muốn xem Tivi chỉ trong một tiếng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập). 

Thứ ba, mục tiêu của họ là mục tiêu liên quan đến sở thích cá nhân hoặc là những thứ mà họ coi trọng, khiến cho công việc của họ hiệu quả hơn. Những mục tiêu này phản ánh con người thật của mỗi người, không phải là hình ảnh công khai (hình ảnh của mình trong mắt người khác) và đều có giá trị và ý nghĩa cá nhân.
Sự tự chủ và những mục tiêu liên quan đến sở thích cá nhân:

Vì sao sự tự chủ lại liên quan đến mục tiêu cá nhân? Vì sao những cá nhân có tính tự chủ kém lại không chọn được những mục tiêu đó? Có lẽ là do họ cảm thấy dễ bị tổn thương, nên nỗi lo chính của họ là sự tự vệ, không phải là chọn những mục tiêu phản ánh con người họ. 

Ngược lại, những người có sự tự chủ tốt sẽ cảm thấy mạnh mẽ, tự do hơn và có thể cư xử một cách cứng rắn hơn với bản thân và hiện thực hóa khả năng của họ.

Một khả năng khác là các mục tiêu đều giống nhau đối với cả hai nhóm người, nhưng chỉ những người có khả năng tự chủ cao mới kết hợp các mục tiêu này vào khái niệm bản thân của họ theo thời gian. Do đó, mục tiêu có thể trở nên chân thực hơn với người đó.

Nghiên cứu về khả năng tự kiểm soát, chọn mục tiêu hợp lý và tiến độ mục tiêu:

Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang bài báo của Stavrova và các đồng nghiệp, là các nghiên cứu về tính xác thực của những cơ chế trên. 

Nghiên cứu đầu tiên khám phá: Những người có khả năng tự chủ cao sẽ chọn những mục tiêu liên quan đến con người thật của họ hay những gì họ thể hiện trước công chúng. Một nhóm gồm 294 người tham gia từ Amazon Mechanical Turk (độ tuổi trung bình là 38 tuổi; 56% là nữ) đã hoàn thành một biện pháp tự kiểm soát (câu hỏi mẫu: “Tôi rất giỏi trong việc chống lại sự cám dỗ”). 

Sau đó, họ được yêu cầu nêu tên năm mục tiêu mà họ đã theo đuổi gần đây (ví dụ: thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng), để chỉ ra liệu các mục tiêu đó có liên quan đến con người thật hay “con người công chúng” của họ hay không và để ước tính xem họ đã đạt được bao nhiêu tiến bộ đối với những mục tiêu này.

Kết quả cho thấy những người tham gia (đặc biệt là những người có khả năng tự chủ cao hơn) tin rằng mục tiêu của họ phản ánh con người thật của họ (so với con người của công chúng). Những người có khả năng tự kiểm soát cao hơn cũng đã đạt được nhiều tiến bộ hơn đối với mục tiêu của họ. 

Nghiên cứu thứ hai bao gồm một nhóm 343 sinh viên (độ tuổi trung bình là 20 tuổi; 79% là nữ). Các kết quả mô phỏng lại phát hiện trước đó, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa khả năng tự chủ, lựa chọn mục tiêu đích thực và tiến trình đạt được mục tiêu. Những liên kết này độc lập với các liên kết hiện đã có có giữa tiến độ mục tiêu và cả thói quen và xung đột với mong muốn mục tiêu. 

Trong nghiên cứu thứ ba, các nhà nghiên cứu cố gắng loại trừ khả năng những cá nhân có tự chủ tốt không chọn những mục tiêu đích thực hơn, mà thay vào đó cho rằng mục tiêu của họ phản ánh con người thật của họ chẳng qua là do họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu. 

Nhóm ban đầu bao gồm 261 sinh viên được yêu cầu đặt mục tiêu cho tuần sau đó, đánh giá tính xác thực của mục tiêu và báo cáo sự tiến bộ của họ trong việc đạt được mục tiêu. Một tuần sau, 217 sinh viên (tuổi trung bình: 20 tuổi; 79% nữ) quay lại báo cáo sự tiến bộ của họ. 

Các phát hiện chỉ ra rằng những sinh viên có khả năng tự chủ cao hơn có xu hướng đặt ra các mục tiêu đích thực hơn, điều này cho phép họ đạt được tiến độ lớn hơn.

Kết luận:

Các phát hiện tổng thể cho thấy rằng, những người có tự chủ tốt thường thành công bởi khi so sánh với những người tự chủ kém, họ thường: 

  1. Có những mong muốn ít xung đột
  2. Lựa chọn dựa trên những sở thích
  3. Chọn những mục tiêu thiết thực với chính mình

Thói quen, xung đột giữa mong muốn với mục tiêu, tính xác thực của mục tiêu cũng có thể liên kết với nhau. Ví dụ, lựa chọn mục tiêu đích thực giảm khả năng một người bị phân tâm bởi những mong muốn mâu thuẫn với mục tiêu. 

Vậy, chúng ta có thể học được gì từ thành công của những người có tự chủ tốt? Thứ nhất, chúng ta cần phát triển các chiến lược hiệu quả và thói quen gắn liền với mục tiêu. Khi các hành vi thích ứng trở thành thói quen, chúng ta sẽ tốn ít năng lượng hơn để chống lại những cám dỗ. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên ăn trái cây với ngũ cốc ăn sáng, những thực phẩm thay thế không lành mạnh sẽ không cám dỗ bạn thường xuyên. 

Tất nhiên, các chiến lược và thói quen tốt sẽ dẫn đến mục tiêu tốt. Vậy nên, điều thứ hai, chúng ta học được cách xem xét mục tiêu cẩn thận:

  • Thói quen xung đột với mục tiêu thế nào?
  • Mục tiêu liên quan đến bản thân thế nào?

Bạn nên nhớ rằng, mục tiêu của bạn càng phản ánh con người thật của bạn, thì việc theo đuổi mục tiêu của bạn càng dễ dàng hơn.

Nguồn: Psychology Today

Người dịch: Trần Kiều Phong 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang