- — Khi còn nhỏ, trẻ con thuộc nhóm này rất thích các trò chơi vận động, không sợ dơ khi nghịch đất, cát, nước, đá cuội, … Các em học thể thao nhanh, khả năng phối hợp tay mắt tốt, sử dụng các dụng cụ trong nhà rất dễ dàng (như búa, kềm, kéo, dao, …)
- — Khi vào tuổi đi học, các em thích những môn học có thực hành nhiều, không thích những môn nào có nhiều lý thuyết và phải học thuộc lòng. Các em thích những hoạt động có tương tác với vật dụng, máy móc, cây cối, động vật, hơn là với con người. Các em dễ thấy mệt khi phải nói chuyện và xã giao nhiều.
- — Các em học rất nhanh khi có người đứng cầm tay chỉ việc, và sau đó sẽ sáng tạo ra cách làm tốt hơn cả thầy. Nhưng nếu đưa một cuốn sách và bắt các em đọc để làm theo hướng dẫn, các em sẽ nản ngay.
- — Điểm yếu của các em là không thích và không giỏi diễn đạt cảm xúc hay ý tưởng của bản thân bằng ngôn từ. Các em ghét phải nói nhiều và ghét phải giải thích dài dòng. Vì vậy, các em dễ bị hiểu lầm hay có khi thua thiệt vì không chịu đấu tranh. Các em cũng dễ mất kiên nhẫn và cục tính khi người khác không hiểu mình, gây ra sự xa lánh của người xung quanh.
- — Điểm mạnh là các em khá kiên định khi đã xác định một điều gì đó. Các em cũng là những người bạn tuy ít nói những rất trung thành, là những người yêu vững chãi, ít đổi thay, là những người con hiếu thảo diễn đạt tình cảm qua hành động hơn lời nói.
Những người thuộc nhóm Kỹ thuật phù hợp với các ngành học và công việc nào?
Vì những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, những em nào có khả năng và sở thích tự nhiên thuộc nhóm Kỹ thuật nên tìm những chương trình đào tạo nào có tính ứng dụng cao, nơi mà các em học xong lý thuyết thì phải được thực hành ngay. Nơi mà các em có thể liên kết ngay những gì học từ trong sách với những gì đang xảy ra ngoài đời.
Các em sẽ hợp với các ngành học như vận hành, vận chuyển, nông nghiệp, lâm nghiệp, khoa học máy tính & công nghệ thông tin, xây dựng & bảo trì, thủ công, chế tạo & quy trình sản xuất.
Khi bước chân vào thị trường lao động, các em thường sẽ thoải mái khi làm những công việc nào phải tiếp xúc với các công cụ, dụng cụ, thiết bị cơ khí hoặc điện. Các em cũng thích các hoạt động bao gồm thiết kế, xây dựng, sửa chữa máy móc và chăn nuôi cây trồng/vật nuôi. Nói chung là các hoạt động chủ yếu liên quan đến làm việc với sự vật (thay vì làm việc với con người) sẽ mang lại sự dễ chịu và tự tin hơn cho các em.
Định kiến về giới tính
Bản thân người viết đang muốn nhưng vẫn chưa tìm ra một từ ngữ nào phù hợp hơn ‘Kỹ thuật’ vì khi nghe đến chữ này, bản thân các em hay cha mẹ đều lập tức nghĩ rằng con gái thì không nên thuộc nhóm này, hoặc nếu có thì cũng nên tránh không tiếp tục phát triển theo tự nhiên.
Trong văn hóa Việt Nam, các em nữ dễ bị xem là quá nhiều nam tính khi bộc lộ những đặc điểm của nhóm này từ nhỏ. Khi lớn các em cũng thường bị cha mẹ khuyên phải ‘nữ tính’ hơn để chuẩn bị cho vai trò làm vợ, làm mẹ. Nếu vượt qua được định kiến và nỗi lo này, các em nữ sẽ phát triển tốt trong nhóm nghề nghiệp này không kém các bạn nam với điều kiện là phải hiểu rõ thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp có liên quan đến giới tính để chuẩn bị từ lúc còn ở trong chương trình đào tạo.
Kết
Rất ít trường hợp một bạn trẻ chỉ có đặc điểm của một nhóm nào đó. Do đó, các em và cha mẹ nên quan sát kỹ để biết bạn trẻ ngoài nhóm Kỹ thuật ra còn đặc điểm của nhóm nào nữa không. Sự kết hợp giữa hai hay ba nhóm mới cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về sở thích và khả năng tự nhiên của các em.
Vì điểm yếu của các em là thiếu khả năng diễn đạt cảm xúc và tư tưởng của mình, các em nên tập từng chút một nói ra cảm xúc và ý nghĩ của bản thân với người thân và bạn bè. Có thể tập viết ra rồi sau đó nói ra. Từ từ, các em sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn để giao tiếp với người khác vì dù có làm ở môi trường nào thì khả năng giao tiếp với con người cũng rất cần thiết.
Cho những người không thuộc nhóm này, hiểu về họ cũng sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tương tác, cộng tác, và sống cùng với họ.
Nguồn: RMIT Vietnam
Ảnh: Pexels