Trầm cảm



Trầm cảm ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của một người, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, can thiệp vào khả năng nhận thức hoặc cách nhìn nhận về những điều tốt đẹp trong nhận thức của một người. Trầm cảm làm tiêu hao năng lượng, động lực, và sự tập trung mà một người cần cho các hoạt động bình thường.

Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn phiền, chán nản, thất vọng, đó đều là điều dễ hiểu. Tất cả chúng ta đều có các cung bậc cảm xúc, đó là những phản ứng của khi ta đối mặt với những rắc rối hay rào cản trong cuộc sống.

Chúng ta đôi khi có thể cảm thấy buồn bực vì một cuộc cãi vã với bạn bè, trước sự chia tay, hay việc một người bạn thân chuyển nhà. Chúng ta cũng có thể có cảm giác thất vọng về bài kiểm tra làm chưa tốt hoặc thấy không vui khi nhóm bạn làm việc chung chưa được ưng ý, hoặc trước sự qua đời của người thân khiến bạn buồn phiền, đau lòng.

Trải qua một khoảng thời gian, để đối phó với những cảm xúc này và vượt qua chúng con người cần thời gian và chăm chút bản thân.

Chứng trầm cảm ở mức độ cao hơn sự buồn phiền, chán nản, hay thất vọng. Trầm cảm là một tâm trạng mạnh mẽ có liên quan đến buồn, chán nản, thất vọng, hoặc tuyệt vọng nhưng chúng kéo dài hàng tuần, hàng tháng, hoặc thậm chí lâu hơn.

Nguồn: Sưu tầm

Dấu hiệu trầm cảm

Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng của chứng trầm cảm:

Có tâm trạng và cảm xúc tiêu cực: Những người mắc chứng trầm cảm có thể cảm thấy buồn bã, nản lòng hoặc dễ bị ngã gục. Họ có thể cảm thấy vô vọng, bất lực, hoặc muốn được ở một mình. Một số người cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, hoặc không được yêu thương. Một số người bị trầm cảm sẽ cảm thấy dễ tức giận, dễ bực tức, hoặc bị xa lánh. Bất kỳ dấu hiệu cảm xúc tiêu cực nào kể trên đều có thể là một phần biểu hiện của chứng trầm cảm nếu chúng tiếp tục kéo dài hàng tuần hoặc hơn vậy.

Suy nghĩ tiêu cực: Những người bị chứng trầm cảm luôn có lối tư duy tiêu cực. Điều này có thể khiến họ tập trung vào vấn đề và lỗi lầm. Nó có thể khiến bạn nhìn nhận một việc xấu hơn so với thực tế. Tư duy tiêu cực có thể làm cho một người tin rằng mọi thứ sẽ không bao giờ trở nên tốt đẹp, rằng các vấn đề sẽ không thể có lời giải đáp, và không có gì có thể khắc phục tình huống đó. Tư duy tiêu cực cũng có thể coi là một dạng của sự tự phê bình. Một số người có thể nghĩ rằng họ vô dụng và không đáng được yêu thương, mặc dù điều đó là không đúng. Điều đó có thể khiến những người bị trầm cảm suy nghĩ đến việc tự làm hại bản thân hoặc chấm dứt cuộc sống của họ để kết thúc vấn đề. Tư duy tiêu cực có thể khiến chúng ta mất đi khả năng giải quyết vấn đề hoặc nhận thức chính xác vấn đề gì đang xảy ra. 

Không có sức sống và động lực: Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức. Họ có thể di chuyển chậm hoặc mất nhiều thời gian hơn để làm việc so với người bình thường. Họ sẽ cảm thấy như thể tất cả mọi thứ đòi hỏi họ cần nỗ lực nhiều hơn. Họ cảm thấy có thể bị gặp rắc rối khi tìm động lực làm việc hoặc quan tâm đến bất cứ điều gì.

Kém tập trung: Trầm cảm có thể làm cho bạn mất tập trung. Điều này có thể sẽ rất khó khăn cho bạn trong việc tập trung học tập, chú ý trong giờ học, nhớ các bài giảng hoặc tập trung vào những gì người khác nói.

Các vấn đề về thể chất: Một số người bị trầm cảm có thể đau bụng hoặc ăn không ngon. Một số có thể tăng hoặc giảm cân. Một vài người lại có thể thấy nhức đầu và gặp các vấn đề khi ngủ.

Tách biệt khỏi xã hội: Những người bị trầm cảm có thể sống tách biệt hẳn với bạn bè và gia đình hoặc từ những hoạt động mà họ từng thích. Điều này thường khiến họ cảm thấy cô đơn và cô lập hơn – và thậm chí có thể có những suy nghĩ tiêu cực hơn. 

Nguồn: Sưu tầm

Bạn có thể sẽ không nhận thấy mình đang bị trầm cảm

Những người bị trầm cảm có thể không nhận ra họ đang chán nản. Bởi vì tư duy tự phê bình như đã nói trên là một phần trong chứng trầm cảm, một số người có thể nhầm lẫn khi nghĩ về bản thân mình như một kẻ thất bại, một sinh viên chưa tốt, một người trốn việc, kẻ trộm, kẻ thua cuộc, hoặc một người xấu.

Bởi trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hành động của một người, và có thể bị hiểu nhầm như một thái độ xấu. Những người khác có thể nghĩ rằng họ đã không cố gắng hoặc nỗ lực. Ví dụ, tâm trạng tiêu cực có thể khiến một người có hành động cãi cọ, không vui hoặc tức giận. Điều đó có thể làm cho người đó có vẻ gặp khó khăn trong việc hoà nhập hoặc khiến những người khác giữ khoảng cách với họ. Không có động lực, không có năng lực, khó tập trung, và với lối suy nghĩ “tại sao lại làm phiền?” hoàn toàn có thể khiến họ bỏ cuộc.

Những người bị chứng trầm cảm cũng có những vấn đề khác

Trầm cảm có thể khiến ta cảm thấy vô dụng hoặc bị tổn thương từ bên trong. Ví dụ, những người tự ngược đãi bản thân hoặc những người có vấn đề về rối loạn ăn uống hoặc phải trải qua những nhiều tâm trạng tiêu cực có thể sẽ có những triệu chứng trầm cảm mà chính họ cũng không nhận ra.
Khi chứng trầm cảm được nhận ra và điều trị, các vấn đề khác cũng sẽ dần được cởi bỏ.

Điều gì giúp chứng trầm cảm đỡ hơn?
Trầm cảm có thể giảm nếu chú ý và biết cách chăm sóc bản thân đúng cách, nó đôi khi dễ hơn ta nghĩ. Nhưng nếu không được điều trị, mọi việc có thể trở nên xấu hoặc tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao những người bị mắc chứng trầm cảm không nên ngồi chờ và hy vọng nó sẽ tự biến mất.

Nguồn: VTC14HD

Nếu bạn nghĩ mình có thể đang bị trầm cảm, hãy nói chuyện với cha mẹ hoặc người lớn để được sự trợ giúp đúng. Sự giúp đỡ đó có thể là:

Khám sức khoẻ
Bác sĩ là người có thể kiểm tra nguyên do có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm ở bạn. Ví dụ, sự suy giảm của hoạt động tuyến giáp có thể khiến tâm trạng chán nản, thiếu năng lượng, và dẫn đến mệt mỏi. Sự tác động của âm thanh có thể làm cho một người cảm thấy mệt mỏi và chán nản.

Nói chuyện với một chuyên gia tư vấn
Hãy thử gặp mặt với chuyên gia tư vấn hoặc chuyên viên trị liệu. Liệu pháp nói chuyện có thể giúp mọi người vượt qua chứng trầm cảm. Cách này giúp mọi người:

  • Hiểu về cảm xúc của họ, nói ra được bằng lời, cảm nhận và được thấu hiểu, được hỗ trợ.
  • Tự tin hơn khi giải quyết các vấn đề gặp phải trong đời sống.
  • Giải quyết vấn đề họ gặp phải.
  • Thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực.
  • Có lòng tự trọng và biết chấp nhận.
  • Tăng cảm xúc tích cực trong bạn và cảm thấy vui vẻ hơn.

Để giảm hẳn có thể bạn sẽ cần tới liệu pháp nói chuyện, thuốc men, hoặc cả hai. Nhà trị liệu cũng có thể cho bạn lời khuyên với việc bạn nên tập thể dục hàng ngày, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, hoặc thay đổi cách ăn uống. Nhà trị liệu cũng có thể dạy bạn các kỹ năng để thư giãn để bạn có được một giấc ngủ ngon.

Nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ
Nhiều người thấy rằng khi chia sẻ với cha mẹ hoặc người lớn mà họ tin tưởng cũng là một cách hữu ích. Đơn giản chỉ cần nói một cái gì đó như: “Dạo gần đây, con cảm thấy thực sự buồn phiền và con nghĩ rằng con đang mắc chứng trầm cảm”, cách nói chuyện như vậy có thể là một cách hay để bắt đầu cuộc thảo luận.

Nguồn: Sưu tầm

Nếu phụ huynh hoặc người trong gia đình không thể giúp được bạn, hãy nhờ tới những người tư vấn, y tá ở trường học để được giúp đỡ.

Hãy để bạn bè và những người khác quan tâm đến bạn. Họ có thể:

  • Nghe và nói chuyện, thể hiện rằng họ cảm nhận và hiểu cảm giác của bạn lúc đó.
  • Động viên bạn rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn, và họ sẵn sàng ở bên bạn khi bạn cần.
  • Giúp bạn nhận thấy luôn có nhiều điều tốt trong cuộc đời bạn kể cả khi bạn không để ý đến.
  • Làm những việc khiến bạn cảm thấy có thể giảm bớt được căng thẳng.
  • Hãy tự thưởng cho bản thân những lời khen và luôn tìm thấy những tiếng cười trong cuộc sống.

Chăm sóc bản thân
Hãy thử những hành động đơn giản này. Chúng có thể có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của bạn và khiến chứng trầm cảm giảm bớt đi:

  • Ăn uống lành mạnh
  • Tập thói quen ngủ đúng giờ
  • Đi bộ, chơi trò chơi hoặc làm các việc khác hàng ngày
  • Dành thời gian để thư giãn
  • Dành thời gian để tập trung vào những việc tốt trong cuộc sống của bạn, kể cả khi đó có là chuyện nhỏ nhặt.

Tập trung vào những cảm xúc tích cực và việc tiếp xúc với những người có lối sống tích cực cũng sẽ giúp được cho bạn phần nào. Hãy thử tập yoga, khiêu vũ, và khám phá bản thân bằng việc thử các hình thức nghệ thuật, âm nhạc, hoặc viết nhật ký. Tập thể dục hàng ngày, thiền, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày và tập cho bản thân có thói quen giữ cảm xúc tích cực, việc đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não theo những cách có thể khôi phục tâm trạng và khiến bạn hạnh phúc hơn.

Trầm cảm có thể được điều trị nếu bạn đi đúng bước:
• Chăm sóc bản thân.
• Gặp bác sĩ hoặc các nhà tư vấn.
• Đừng trông chờ vào việc trầm cảm có thể tự biến mất .

Dịch và viết: Nguyễn Ánh Linh 
Bài gốc: Depression, D’Arcy Lyness,PhD 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang