Bạn có bao giờ cảm thấy buồn đến nỗi bạn không muốn cử động? Hoặc bạn có từng không muốn làm bài tập vì bạn cảm thấy không có tâm trạng để làm? Đôi khi chúng ta cảm thấy trong lòng có sự thương cảm, nhưng tâm trạng không thay đổi chúng ta mà chính chúng ta là người điều khiển tâm trạng.
Việc điều chỉnh được tâm trạng phù hợp nhất trong các tình huống là một trong những kỹ năng của trí tuệ cảm xúc. Chọn tâm trạng phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát bất cứ tình huống nào bạn đang gặp phải.
Tâm trạng + Tư duy = Thành công
Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta, song bên cạnh đó còn có Tư duy. Sự khác biệt giữa tâm trạng và tư duy là gì? Tâm trạng là cảm xúc mà chúng ta cảm nhận. Còn tư duy là những suy nghĩ và ý tưởng mà đi cùng với tâm trạng đó.
Tâm trạng và tư duy đi đôi với nhau bởi những suy nghĩ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Dưới đây là một ví dụ:
Hãy tưởng tượng bạn tham gia cuộc thi bơi vào chiều nay. Tâm trạng và suy nghĩ nào sẽ giúp bạn làm tốt nhất?
- Tâm trạng A: Không an toàn. Bạn tiếp tục suy nghĩ về cuộc thi và nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi, và sẽ không được tham gia vào đội.
- Tâm trạng B: Khó chịu. Bạn đang nghĩ đến việc bơi lội tác động vào cuộc sống của bạn như thế nào.
- Tâm trạng C: Tự tin. Bạn đang nghĩ rằng nếu bạn làm hết sức có thể, đội của bạn sẽ có cơ hội dành chiến thắng.
Tất nhiên, việc bạn có thể làm tốt nhất nếu tâm trạng và suy nghĩ của bạn đều chọn C. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn cảm thấy mình có vẻ như đang lưỡng lự ở A hoặc B và lo lắng tâm trạng đó sẽ ảnh hưởng tới cách bạn thể hiện? May mắn thay, bạn có thể thay đổi tâm trạng của mình.
Làm thế nào để cải thiện tâm trạng?
Bước 1: Xác định tâm trạng của bạn.
Để chuyển đổi tâm trạng, bạn cần phải kiểm tra những gì bạn đang suy nghĩ và cảm nhận. Bằng cách đó bạn có thể quyết định xem bạn có cần thay đổi tâm trạng của mình với một thái độ phù hợp hơn với tình huống của bạn hay không hay bạn đã có sẵn tâm trạng tốt để khởi động.
Để xác định tâm trạng, hãy ngừng các hoạt động lại và suy nghĩ về những gì bạn đang cảm nhận và tại sao bạn lại cảm nhận vậy. Hãy nói ra những cảm xúc như vậy, ví dụ như ” tôi thực sự thấy buồn vào lúc này” hoặc “Tôi cảm thấy cô đơn.” Bạn có thể tự nhủ trong lòng, nói to hoặc nói cho người khác.
Bước 2: Chấp nhận cảm xúc của bạn.
Sau khi bạn xác định được cảm xúc của mình, hãy thể hiện việc bạn hiểu cảm xúc của mình qua cách làm của bạn. Điều này hoàn toàn bình thường (và tự nhiên) khi bạn cảm thấy chán vào một ngày thứ bảy mưa gió hay cảm thấy khó chịu khi phải học bài trong khi mọi người được đi chơi. Tất cả cảm xúc đều dễ hiểu và chấp nhận được. Nhưng bạn không cần giữ tâm trạng như vậy cả ngày. Hãy chú ý đến tâm trạng của bạn, đừng giữ những tâm trạng không vui trong người.
Bước 3: Xác định tâm trạng tốt nhất cho tình huống mà bạn đang gặp phải.
Nếu bạn đang tham gia cuộc thi bơi lội, tốt nhất bạn hãy phấn chấn và tự tin. Nếu bạn cần sự nghiêm túc trong học tập, tốt hơn hãy tự gây hứng thú cho bản thân, sẵn sàng và tự tin (và tránh rơi vào cảm giác tức giận, khó chịu, và đầu hàng bản thân). Hãy dành ra ít phút để suy nghĩ về cảm xúc nào sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Làm thế nào để có được tâm trạng tốt nhất?
Sau khi bạn xác định được tâm trạng phù hợp nhất cho công việc hoặc tình huống của bạn, đây là lúc bạn sử dụng tâm trạng đó. Hãy suy nghĩ “tích cực” và tập trung vào 6 điều này có thể giúp bạn thiết lập lại tâm trạng của mình:
1. Mục đích
Hiểu rõ hơn về những gì bạn muốn và cần phải làm. Ví dụ, bạn muốn học bài nhanh để bạn có thể đến bữa tiệc.
2. Địa điểm
Đặt mình vào đúng tình huống – môi trường ảnh hưởng đến tâm trạng. Nếu bạn cần học, bạn nên tìm bàn làm việc trong một căn phòng yên tĩnh hơn là đi đến quán cà phê, nơi bạn có thể thấy những người bạn điều đó sẽ khiến bạn phân tâm.
3. Mối quan hệ giữa người với người
Bạn cần ai giúp để có thể có một tâm trạng tốt? Nếu là vấn đề học tập, bạn nên chọn trong số bạn học cùng lớp thay vì người bạn hay tán gẫu. Đôi khi, chỉ cần suy nghĩ của một người tác động là đủ để giúp bạn thấy tự tin, cảm hứng, sự mạnh mẽ, hoặc hỗ trợ.
4. Danh sách nhạc
Âm nhạc là một chất xúc tác ảnh hưởng khá mạnh đến tâm trạng bởi nó liên quan đến giao tiếp và cảm hứng. Hãy lập một danh sách nhạc với những giai điệu mà bạn cảm thấy hữu ích và tích cực nhất cho cuộc sống của bạn.
5. Tư thế
Dáng đi cũng quyết định đến tâm trạng của bạn. Để học tập tốt hơn, hãy thử các bài tập thể dục giúp bạn tập trung như yoga hoặc bài tập thái cực quyền. Để thêm năng lượng, hãy thử một bài luyện tập làm tăng nhịp tim của bạn. Để chuẩn bị cho giấc ngủ ngon, hãy tập hít thở sâu, tập nhẹ nhàng, hoặc các hoạt động nhẹ nhàng khác.
6. Khuyến khích
Hãy tự nói những lời để khuyến khích bản thân. Nói chuyện với bản thân là một cách để sử dụng những ý nghĩ để tác động lên tâm trạng của bạn. Nếu bạn đã từng nói với chính mình, ví dụ như “Nào, hãy tập trung một lúc” hoặc “Tôi có thể làm điều này!” , như vậy bạn đã có thể có tự điều chỉnh được tâm trạng để cảm thấy tốt hơn. Tự nói chuyện không những chỉ giúp tư duy thay đổi thái độ, mà điều đó còn giúp bạn duy trì thái độ đó. Đó là lý do tại sao những lời nói động viên rất tốt cho các vận động viên.
Làm thế nào để loại bỏ những cảm giác không tốt?
Để thoát ra khỏi tâm trạng khó chịu hoặc tâm trạng xấu, hãy nghĩ “quay ngược lại.” Hãy thử thay đổi tâm trạng như này:
- Phá bỏ. Làm bất cứ việc gì để tống khứ những tâm trạng cũ đi. Thử thách bản thân bạn với trò chơi sudoku hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ một cách tập trung trong vài phút. Hãy làm phân tâm tâm trí bạn, điều đó sẽ khiến tâm trạng của bạn được thoải mái một chút.
- Thay đổi. Thay đổi tư thế của cơ thể. Nếu bạn đang ngồi, hãy đứng lên. Làm căng cơ, vận động cơ thể bằng cách đi lại quanh phòng. Di chuyển cơ thể có thể giúp bạn thay đổi tư duy và tâm trạng.
- Thư giãn. Ngồi yên lặng, hít thở nhẹ nhàng, và tập trung vào hơi thở. Để giúp cho tâm trí của bạn không trở lại tâm trạng tệ như trước, hãy hít thở thật sâu và với mỗi lần như vậy hãy tự nói: “Hít vào” và “Thở ra”. Tập trung giữ bình tĩnh.
Bạn có thể điều chỉnh được tâm trạng của bạn chỉ có điều bạn chưa nhận thấy điều đó, nhiều lúc mọi người để tâm trạng theo hoàn cảnh mà không hề nghĩ về việc sau đó. Bằng cách thực hành các cách để có tâm trạng tốt sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Vì vậy, nếu lần sau, bạn có những tâm trạng mạnh mẽ. Hãy tự hỏi bản thân rằng đó có phải tâm trạng phù hợp để bạn hoàn thành mọi việc tốt hay không. Đôi khi, ngay cả những lúc bạn cảm thấy hạnh phúc nhất chưa hẳn đã là tâm trạng phù hợp với một vài hoàn cảnh (ví dụ như ai đó đang cảm thấy háo hức bởi kế hoạch cuối tuần giữa tiết học vào chiều thứ 6).
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Hiệu đính: Nguyễn Hằng
Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D