Trước nay các bậc phụ huynh thường cho rằng “ Yêu cho voi cho vọt …”. Vậy nên khi trẻ hư, hoặc không làm theo các yêu cầu mà bố mẹ đưa ra, rất có khả năng trẻ sẽ phải chịu các hình thức trừng phạt. Vậy trừng phạt là gì và trừng phạt không đúng cách sẽ gây ra hậu quả gì?
Trừng phạt trẻ em là các biện pháp mà một người nào đó ( thường là người lớn) thực hiện với trẻ em nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ, nhưng lại gây ra sự đau đớn về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ.
Các hình thức này bao gồm:
- Trừng phạt thân thể: Là những hành vi gây ra thương tích, đau đớn trên cơ thể trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Ví dụ: đánh bằng roi, bằng gậy; cốc đầu, véo hoặc xoắn tai; tát, đá, đạp vào người; trói, nhốt, treo cây, bắt quỳ trên sỏi, bắt đứng vào tổ kiến; bắt làm việc quá sức; không cho ăn, không cho uống,…
- Trừng phạt tinh thần: là những hành vi gây ra những tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm, tinh thần của trẻ. Ví dụ: mắng chửi, quát mắng thậm tệ; sỉ nhục, chế nhạo, làm trẻ xấu hổ, dọa nạt, đe dọa làm trẻ hoảng loạn, bỏ rơi, không chăm sóc trẻ,…
Các hậu quả của việc trừng phạt mang lại bao gồm:
- Hậu quả về mặt thể chất: có thể để lại vết thương trên cơ thể nếu trẻ bị đánh đập, làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ. Trường hợp cá biệt, đánh đập trẻ có thể gây tàn tật suốt đời.
- Hậu quả về mặt tâm lý, tinh thần:
- Làm trẻ thấy lẫn lộn, không hiểu rõ được về sự việc. Ví dụ: Trẻ không hiểu tại sao cha mẹ nói yêu thương mình nhưng bản thân chỉ thấy đau đớn khi bị đánh, không hiểu mình đã làm gì sai và đáng lẽ phải làm gì cho đúng.
- Làm trẻ lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã, hạ thấp lòng tự trọng, tự tin.
- Làm trẻ cảm thấy mình ít có giá trị, có khi thù ghét bản thân và người khác. Khi nghĩ là “ mình chẳng ra gì” trẻ có thể làm những hành động “ chẳng ra gì”. Đó là một vòng luẩn quẩn.
- Khi bị trừng phạt trẻ cảm thấy “ lỗi” của mình đã được “ trả” và có thể lặp lại lần khác.
- Làm trẻ tức giận và mong muốn trả thù người lớn.
- Làm trẻ tìm cách lừa dối người lớn để lần sau tránh bị trừng phạt.
- Đánh đập trẻ liên tục sẽ làm trẻ trở nên trơ lì, miễn dịch. Trẻ không học được tính kỷ luật, có chăng chỉ là học được một tấm gương xấu.
- Duy trì vòng luẩn quẩn bạo lực trong gia đình, xã hội. Trẻ sẽ hiểu sai rằng bạo lực là cách thức giải quyết vấn đề, đánh người nhỏ hơn và yếu hơn mình là bình thường.
- Cha mẹ, người lớn sẽ phải tìm ra các phương pháp kỷ luật khác khi trẻ lớn hơn. Tại sao lại không dùng các phương pháp hiệu quả ngay từ khi còn nhỏ?
- Khi người lớn dùng hình phạt thể chất và tinh thần thì trẻ thường trở nên thụ động, nhút nhát, rụt rè, sợ sai, đặc biệt khi có những người đó bên cạnh. Vì thế người lớn cho rằng đứa trẻ có tính rụt rè, nhút nhát. Thật ra là khi đó trẻ sợ hoặc cảm thấy không được khích lệ.
Do vậy, thay vì trừng phạt, người lớn có thể bỏ qua và giải thích kỹ cho trẻ hiểu để rút kinh nghiệm lần sau làm khác đi. Hoặc người lớn có thể dùng các phương pháp kỷ luật tích cực như là:
- Nhấn mạnh những gì trẻ nên làm. Cho trẻ những phương án lựa chọn tích cực.
- Lắng nghe trẻ, đưa ra ví dụ, tấm gương để trẻ làm theo.
- Hình thành, phát triển những hành vi mong muốn.
- Giúp trẻ thay đổi. Tập trung vào hành vi chưa đúng của trẻ.
- Dạy trẻ nhập tâm tính kỷ luật một cách tự giác.
- Coi lỗi lầm là những cơ hội học tập để tiến bộ thêm.
Nguồn: Phương pháp kỷ luật tích cực – Tiến sỹ lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học và Tổ chức Plan tại Việt Nam