Dạy trẻ đối phó với tức giận

Học cách thư giãn

Tức giận gây ra phản ứng rất mạnh về cơ thể ở hầu hết trẻ em. Cơ bắp căng, tim đập nhanh hơn và có thể sinh ra đau dạ dày. Cần hướng dẫn trẻ cách nhận ra các phản ứng đó của cơ thể và học cách thư giãn. Vận động chân tay, làm một việc gì đó là cách rất tốt để ứng phó với tức giận vốn có hại cho cơ thể: nặn đất sét, vùng vẫy trong nước, chạy quanh bên ngoài nhà, nghe nhạc, vẽ tranh, thư giãn cơ bắp, thở sâu chầm chậm, hoặc ăn nhẹ thứ gì đó có lợi cho sức khỏe…

Học cách trò chuyện

Có thể dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc của mình bằng nhiều cách khác nhau: tâm sự với bạn bè hay người nào đó quan tâm đến các em.

Khi cơn giận dữ bùng nổ, trẻ không thể nói cho bạn biết điều gì làm chúng cáu giận. Điều này có thể do khả năng suy nghĩ logic và lý giải về các sự việc của trẻ chưa được tốt. Dạy trẻ nhận biết các cơn giận dữ bằng cách nói như: “ Mình cảm thấy ….khi….bởi vì….”. Ví dụ: “ Tớ thấy rất tức khi Hùng gọi tớ bằng cái tên ‘thằng thối’ vì nó làm tớ xấu hổ”. Mục đích là nhằm giúp trẻ nhận ra rằng đằng sau cơn giận dữ luôn ẩn dấu các cảm xúc nào đó.

Trong ví dụ trên, cảm thấy xấu hổ và bị bẽ mặt đã làm tang cảm giác giận dữ. Học cách nhận biết cảm xúc ẩn giấu đằng sau cơn giận dữ là bước quan trong đầu tiên trong việc học cách làm thế nào để giải quyết cơn giận dữ. Bạn cũng có thể cho trẻ thấy trẻ có thể suy nghĩ khác đi về sự kiện xảy ra ( mô hình nhận thức – hành vi trên đây).

Học cách giải quyết vấn đề

Có thể dạy trẻ ở lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên phương pháp giải quyết vấn đề và xem đó như một công cụ “ phòng ngừa” cơn tức giận. Người lớn có thể hướng dẫn trẻ một số bước giải quyết vấn đề như sau:

  1. Dừng ngay lại, đặc biệt nếu hành động đó sẽ làm tổn thương người khác
  2. Lắng nghe người khác một cách tích cực
  3. Phát hiện vấn đề
  4. Tìm nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề
  5. Chọn một phương án tốt nhất đáp ứng yêu cầu của những người liên quan.
  6. Thực hiện phương án.
  7. Đánh giá xem giải pháp đó có hiệu quả không.

Hầu hết những trẻ còn nhỏ sẽ cần người lớn giúp để hiểu rõ quá trình này. Việc này đòi hỏi phải có thười gian. Tuy nhiên, thuận lợi ở đây là sau khi thực hiện quá trình này, trẻ nhỏ sẽ trở nên khá thành thạo trong việc xác định vấn đề và tìm ra các cách giải quyết vấn đề khác nhau sẽ có nhiều khả năng giải quyết mâu thuẫn theo hướng tích cực.

Học cách tạm lắng

Khi gặp phải tình huống giận dữ, bạn nên đi ra chỗ khác cho đến khi bình tĩnh trở lại . Khuyến khích trẻ tự mình tách khỏi tình huống đó nếu thấy mình sắp mất tự chủ. Giúp trẻ tìm ra những địa điểm đặc biệt để “ bình tĩnh lại”: Nơi trẻ có thể an toàn và tự kiểm soát mình tốt hơn.

Người lớn cũng có thể tạo ra môi trường thân thiện nhằm khuyến khích các hành vi ứng xử tốt. Căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp và các nề nếp, thói quen tốt tạo một bầu không khí yên bình. Các kế hoạch lộn xộn và môi trường ồn ào thường làm trẻ cảm thấy rối loạn và căng thẳng.

Sử dụng tính hài hước

Sự hài hước là liều thuốc rất tốt cho cơn giận dữ. Bât cứ khi nào có điều kiện, bạn hãy giúp trẻ tìm ra sự hài hước trong tình huống căng thẳng. Phản ứng lại với cơn giận dữ đang bùng phát một cách bình tĩnh thường sẽ giúp hạ bớt cơn giận. Học cách cười hay đùa với chính những cơn giận của bạn sẽ giúp trẻ nhìn nhận sự việc theo một khía cạnh tích cực.

Cha mẹ cũng tức giận!

Giải quyết cơn giận dữ của bạn một cách tích cực! Sau đó hãy giải thích rõ vì sao bạn tức giận. Hãy nhớ rằng trẻ nhỏ thường nghĩ rằng chúng chính là nguyên nhân cơn giận của bạn. Một lời giải thích như “ Bố/ mẹ/ thầy cô rất tức giận/ bực mình vì ….” Sẽ giúp trẻ hiểu được nguyên nhân thật sự gây ra cơn giận của bạn.

Nếu người lớn gương mẫu trong hành vi kiềm chế tức giận của chính mình thì đó là tấm gương dạy trẻ kiềm chế tức giận rất tốt!

( Nguồn: Phương pháp kỷ luật tích cực – Tiến sỹ lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học và Tổ chức Plan tại Việt Nam)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang