Thế nào gọi là lo âu?
Lo âu là một phản ứng tự nhiên của con người liên quan đến trí óc và cơ thể. Nó có chức năng quan trọng: Lo lắng là một dấu hiệu cho thấy một người đang nhận thức được nguy hiểm hoặc đe dọa.
Liam luôn quan tâm và chăm chút cho em trai Sam của mình. Sau mỗi lần tập bóng đá, Sam đều bắt chuyến xe bus muộn để trở về nhà, điều đó khiến Liam lo lắng rất nhiều và anh không thể tập trung làm bài tập về nhà của mình. Liam luôn nhìn đồng hồ, lo lắng và tưởng tượng đến những vụ tai nạn xe buýt tồi tệ nhất và anh không ngừng lo ngại, anh lo Sam có thể bị thương hoặc chết. Chỉ khi Sam về nhà an toàn thì Liam mới có thể yên tâm.
Khi bạn gặp những việc rắc rối, việc bạn lo lắng là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu lo lắng quá mức, bạn sẽ cảm thấy rằng cuộc sống của bạn đang bị đảo lộn. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian để nghĩ ngợi hay lo lắng, hoặc bạn thấy khó ngủ vì lo lắng, hãy chú ý đến suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Đó có thể là triệu chứng của chứng rối loạn lo âu.
Lo âu là một phản ứng tự nhiên của con người liên quan đến trí óc và cơ thể. Nó có chức năng quan trọng: Lo lắng là một dấu hiệu cho thấy một người đang nhận thức được nguy hiểm hoặc đe dọa.
Khi cơ thể và trí não của bạn phản ứng với việc gặp nguy hiểm hoặc sự đe dọa, cơ thể sẽ cảm thấy lo lắng, có những biểu hiện như nhịp tim đập nhanh hơn và thở gấp, căng cơ, mồ hôi lòng bàn tay ra nhiều, đau dạ dày, và tay hoặc chân run rẩy. Những dấu hiệu này là một trong những biểu hiện của cơ thể cho thấy sự phản ứng của cơ thể khi gặp nguy hiểm. Chúng được gây ra bởi một chất tên là adrenaline và các hóa chất khác trong não bộ tiết ra để cơ thể biết và thoát khỏi nguy hiểm. Việc này có thể diễn ra nhẹ nhàng cũng có thể dữ dội.
Phản ứng cơ thể sẽ diễn ra lần lượt khi chúng ta gặp phải nguy hiểm. Phải mất một vài giây để não bộ suy nghĩ (vỏ não), xử lý tình huống và đánh giá liệu mối đe dọa có thực hay không, và nếu có thì làm thế nào để xử lý nó. Nếu vỏ não gửi tín hiệu rõ ràng, các phản ứng sẽ không còn và hệ thần kinh trở lại bình thường.
Nếu các mối lo, mối đe doạ lại xuất phát từ trí não của bạn, cái cảm giác lo lắng giúp cho bạn có sự cảnh giác. Những cảm giác như thở nhanh và gấp; tim đập nhanh; căng cơ; và lòng bàn tay đổ mồ hôi có thể kéo dài.
Lo âu ở mức bình thường
Mọi người đều sẽ phải trải qua cảm giác lo âu. Lo âu có thể được xem như cảm giác bất an, lo lắng, lo sợ, hoặc sợ hãi về những gì sắp xảy ra hoặc những gì có thể xảy ra. Trong khi nỗi sợ hãi là cảm xúc mà chúng ta cảm thấy khi có sự đe dọa, thì sự lo lắng là một cảm giác về nguy cơ, rắc rối hoặc mối đe dọa được dự đoán.
Cảm giác lo âu có thể ở mức nhẹ nhàng hoặc mạnh (hoặc ở mức trung bình), tùy thuộc vào mỗi người và tình huống họ gặp phải. Lo âu ở mức nhẹ có thể hiểu như một cảm giác bất an. Lo âu ở mức cao hơn có biểu hiện như sợ hãi, hoặc hoảng loạn. Lo lắng, cảm giác căng thẳng và áp lực là những biểu hiện của sự lo âu. Vì vậy, sự sợ hãi và xấu hổ xuất hiện mỗi khi gặp người lạ là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Khi đứng trước các thử thách, các tình huống ta chưa bao giờ trải qua thì lo âu hay căng thẳng là điều dễ hiểu. Việc làm những bài kiểm tra quan trọng, hoặc có một ngày trọng đại, hoặc phải trình bày trước lớp đều có thể khiến bạn lo lắng. Mặc dù những tình huống này không thực sự đe doạ đến sự an toàn của một người, nhưng nó lại có thể gây cho người khác cảm thấy lúng túng, lo lắng về việc sẽ mắc phải sai lầm, cảm thấy không phù hợp, nói lắp, cảm thấy có thể bị từ chối hay mất thể diện . Những cảm giác bên ngoài như tim đập nhanh, bàn tay đổ mồ hôi, hoặc đau dạ dày đều có thể là một phần của sự lo âu mức bình thường.
Vì sự lo âu khiến cho một người có sự cảnh giác, tập trung, nên họ ngay lập tức có thể giải quyết các vấn đề tiềm ẩn một cách tốt nhất và đạt được hiệu suất cao. Tuy nhiên nếu bạn lo âu quá mức bạn có thể sẽ không thể làm tốt mọi việc. Lo lắng quá mức có thể khiến con người cảm thấy bị choáng, và họ không thể làm những gì họ cần làm.
Rối loạn lo âu
Chứng rối loạn lo âu là tình trạng sức khoẻ tâm thần có liên quan đến sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng. Sự lo âu quá mức hoặc quá căng thẳng có thể khiến một người cảm thấy bản thân luôn trong tình trạng bận rộn, lo lắng, căng thẳng, và luôn cảnh giác.
Chứng rối loạn lo âu cũng là một trong những bệnh trạng tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Chứng này có ở mọi lứa tuổi, từ người lớn, trẻ em đến thanh thiếu niên. Có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau, với các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung: Sự lo âu đều diễn ra thường xuyên, mạnh, ảnh hưởng tới tình trạng hiện tại, ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc hàng ngày của một người.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu có thể xuất hiện đột ngột, hoặc chúng có thể diễn ra âm thầm và kéo dài cho đến khi một người bắt đầu nhận sự bất thường trong cơ thể. Đôi khi sự lo lắng tạo cho con người cảm giác suy sụp và sự sầu não mà không rõ nguyên nhân tại sao họ bị vậy. Thông thường ở những người mắc chứng rối loạn lo âu đang không biết những gì gây ra cho họ những cảm xúc như vậy.
Chứng rối loạn lo âu được chia làm nhiều loại và được đặt tên khác nhau để phân biệt:
- Rối loạn lo âu lan toả: Đây là loại rối loạn lo âu dễ bắt gặp, đó là khi một người lo lắng quá mức về nhiều thứ. Một người mắc chứng lo lắng lan toả có thể lo lắng quá nhiều về trường học, sức khoẻ hoặc sự an toàn của các thành viên trong gia đình và tương lai. Họ có thể luôn trong tình trạng nghĩ đến những điều xấu nhất có thể xảy ra. Cùng với sự lo lắng và sợ hãi, những người mắc chứng lo âu lan toả có các triệu chứng thể chất như đau ngực, nhức đầu, mệt mỏi, cơ bắp, đau bụng, hoặc nôn. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ học hoặc không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Với chứng bệnh lo âu lan toả này, sự lo âu có thể khiến một người cảm thấy họ như một gánh nặng, làm cho cuộc sống của họ cảm thấy áp lực hoặc không thể kiểm soát được.
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Đối với một người mắc OCD, họ thường xuyên bị ám ảnh (suy nghĩ tiêu cực) và ép buộc (có những hành động cố gắng làm giảm sự lo âu).
- Hội chứng sợ: Đây là những nỗi sợ mãnh liệt trong những tình huống cụ thể hoặc sợ những điều không thực sự nguy hiểm, chẳng hạn như độ cao, chó, hoặc đi máy bay. Hội chứng thường khiến mọi người không dám đối mặt với những điều họ sợ.
- Hội chứng sợ xã hội: Hội chứng này bắt nguồn từ các tình huống trong xã hội hoặc phải nói trước đám đông. Hiểu theo nghĩa cực đoan thì nó cũng được xem như bệnh câm chọn lọc, loại bệnh khiến cho một số trẻ em và trẻ vị thành niên cảm thấy sợ hãi khi phải nói trong một vài tình huống nhất định.
- Cơn hoảng loạn: Những giai đoạn mà đôi khi bạn lo âu có thể không vì lý do gì. Đó là do những cơn hoảng loạn, khi một người có các triệu chứng cơ thể đột ngột và căng thẳng như tim đập mạnh, thở dốc, chóng mặt, tê liệt hoặc cảm giác ngứa ngáy được gây ra bởi phản ứng sợ hãi của cơ thể. Agoraphobia là tên gọi của một loại hoảng loạn, thứ khiến cho một người không dám đối mặt với bất cứ thứ gì có liên quan tới sự hoảng loạn.
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): Loại rối loạn lo âu này là kết quả sau một trải nghiệm đau buồn hoặc đáng sợ trong quá khứ. Triệu chứng này bao gồm sự hồi tưởng lại, nỗi ác mộng, hoặc sợ hãi liên tục.
Sự ảnh hưởng của chứng rối loạn lo âu
Đối với những người đang phải đối mặt với chứng rối loạn lo âu, các triệu chứng có thể kỳ lạ và khó hiểu vào lúc đầu. Đối với một số người, họ cảm nhận được về sự thay đổi mạnh mẽ và khó chịu từ cơ thể. Có những người lại cảm thấy sợ hãi chẳng vì lý do rõ ràng nào, điều đó khiến họ thấy sợ hãi và không được bảo vệ. Lo âu kéo dài có thể làm cho một người cảm thấy bị choáng kể cả từ những thứ nhỏ nhất. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, sự tự tin, giấc ngủ, sự thèm ăn và quan điểm của một người.
Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường không muốn nói về những điều họ lo lắng, nghĩ rằng những người khác có thể sẽ không hiểu họ. Họ sợ bị đánh giá là không công bằng, hoặc bị coi là yếu đuối hoặc sợ sệt. Mặc dù rối loạn lo âu là chứng bệnh khá phổ biến, tuy nhiên sẽ có những người có thể cảm thấy bị hiểu lầm hoặc thấy họ cô đơn.
Một số người mắc chứng rối loạn lo âu hay tự trách mình. Họ có thể cảm thấy xấu hổ hoặc luôn nghĩ rằng lo âu là một điểm yếu hoặc sự thất bại cá nhân. Lo âu có thể khiến cho mọi người không muốn ra ngoài hoặc làm những việc mà họ thích.
Tuy nhiên tin tốt đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu, rằng chứng bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu?
Hiện nay các chuyên gia chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu là gì. Tuy nhiên có một vài yếu tố ảnh hưởng tới như di truyền học, hóa sinh học não, phản ứng phòng vệ phản ứng quá mức, áp lực trong cuộc sống và thói quen.
Nếu trong gia đình có thành viên đã mắc chứng rối loạn lo âu thì cơ hội cho bị mắc của các thành viên còn lại cũng cao hơn người thường. Điều này có thể liên quan đến sự di truyền, thứ có thể ảnh hưởng đến các hoá chất não và các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người, rằng cứ có thành viên trong gia đình mắc chứng này đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Những điều diễn ra trong cuộc sống của một người cũng có thể là yếu tố mắc chứng rối loạn lo âu. Một ví dụ điển hình là các sự kiện đáng sợ trong quá khứ có thể dẫn đến PTSD.
Nếu phải trưởng thành trong một gia đình nơi mà người lớn trong nhà luôn sợ hãi hoặc lo lắng, điều đó có thể khiến con trẻ cách nhìn nhận thế giới nguy hiểm như một nơi đáng sợ. Tương tự như vậy, một người lớn lên trong môi trường nguy hiểm (ví dụ như có bạo lực trong gia đình hoặc cộng đồng) họ có thể sẽ luôn ở trong tình trạng sợ hãi hoặc luôn nghĩ về điều tồi tệ nhất.
Mặc dù việc trải qua sự lo lắng là điều bình thường, nhưng nó chỉ đúng trong những tình huống nhất định, bởi hầu hết mọi người, ngay cả những người gặp những vấn đề hậu chấn thương tâm lý cũng không mắc chứng rối loạn lo âu. Và những người bị rối loạn lo âu có thể nhận được sự trợ giúp với việc điều trị và chăm sóc thích hợp. Họ có thể học cách quản lý sự lo lắng và cảm thấy thoải mái hơn và bình an.
Chứng rối loạn lo âu được điều trị như thế nào?
Chứng rối loạn lo âu có thể được điều trị bởi các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, hoặc các nhà trị liệu. Một nhà trị liệu có thể xem xét các triệu chứng họ đang có, và chẩn đoán họ mắc chứng rối loạn lo âu ở loại nào và đưa ra kế hoạch để giúp người trở về cuộc sống bình thường.
Người ta thường sử dụng loại liệu pháp nói chuyện gọi là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Trong CBT, họ sẽ được học những cách mới để suy nghĩ và hành động trong các tình huống có thể khiến họ lo lắng, bên cạnh đó họ học cách để kiểm soát và đối phó với căng thẳng. Nhà trị liệu hỗ trợ, hướng dẫn và dạy các kỹ năng đối phó mới như cách thư giãn hoặc tập thở. Đôi khi, thuốc cũng được sử dụng.
Điều cần làm
Khi bạn gặp chuyện và có được những sự hỗ trợ hay việc điều trị sẽ giúp bạn có thể trở lại cuộc sống bình thường, hãy thư giãn và sẵn sàng cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ai đó có thể cần phải đối phó với chứng rối loạn lo âu nên:
• Hãy cho cha mẹ hoặc người lớn khác biết về những cảm giác thay đổi trong cơ thể bạn, chia sẻ cho họ về những lo lắng, hoặc sợ hãi. Vì chứng rối loạn lo âu không thể tự dưng biến mất trừ khi nó được điều trị, điều quan trọng là bạn phải chia sẻ cho ai đó để có thể nhận sự giúp đỡ. Nếu cha mẹ dường như không hiểu, hãy nói chuyện với người tư vấn của trường, hoặc người lớn đáng tin cậy khác.
• Hãy đi khám sức khoẻ. Hãy đi khám bác sĩ để đảm bảo rằng bạn hoàn toàn khoẻ mạnh và không có vấn đề gì về sức khoẻ.
• Làm việc với chuyên gia về sức khoẻ tâm thần. Hỏi bác sĩ, y tá, hoặc người tư vấn của trường để được giới thiệu đến nơi chuyên điều trị về vấn đề này. Tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng là điều nên làm, nó có thể khiến sự lo âu giảm xuống.
• Tập thể dục thường xuyên, có chế độ dinh dưỡng tốt và ngủ đủ giấc. Sự cung cấp đủ chất cho cơ thể và não đúng thời điểm là điều bạn cần làm để cơ thể được hồi lại.
Hãy kiên nhẫn và tích cực. Bạn có thể cần rất nhiều thời gian để cảm thấy tốt hơn, và đủ can đảm để đối mặt với những nỗi sợ hãi. Nhưng để xua đi nỗi lo âu bạn cần phải để cho không gian quanh bạn luôn đầy ắp sự hạnh phúc và vui vẻ.
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D