Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Mọi người đôi khi sẽ cảm thấy lo âu, sợ hãi, không chắc chắn, hoặc lo lắng về một thứ hay việc nào đó. Những cảm xúc và phản ứng thông thường này giúp mọi người tự bảo vệ mình, giữ an toàn và có thể giải quyết được các vấn đề. Thông thường những cảm xúc này không kéo dài và không đến quá thường xuyên.

Nhưng đối với những người có rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), những cảm giác này hơi cực đoan. Việc phân loại những gì nguy hiểm và những gì không nguy hiểm của não bộ hoạt động không bình thường. Thay vì lo lắng như những người khác, họ luôn không ngừng nghi ngờ, ngờ vực và sự sợ hãi luôn túc trực trong tâm trí họ.

OCD là một loại của chứng rối loạn lo âu. Những người bị OCD thường bận tâm về những thứ có thể gây hại, gây nguy hiểm, hoặc với những suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra. Với OCD, những suy nghĩ và hình ảnh đáng sợ được gọi là ám ảnh, chúng luôn xuất hiện trong tâm trí của họ và khó mà giải quyết được.

Ảnh minh họa: nguồn tham khảo

Những người mắc chứng OCD cũng hay lo lắng về những điều “được yêu cầu” hoặc “ngay lập tức.” Họ có thể lo lắng về việc mất mọi thứ, và thi thoảng họ lại muốn có mọi thứ, bởi họ cảm thấy cần phải có chúng, kể cả khi họ chưa chắc đã dùng đến chúng. 

Những người bị chứng OCD thường lặp đi lặp lại một số hành động, được gọi là theo trình tự hoặc sự bắt buộc, điều này là để xua đi những ý nghĩ đáng sợ, để tránh những điều xấu mà họ sợ hãi, hoặc để đảm bảo rằng mọi thứ đều an toàn hoặc đúng. Bằng cách làm theo một trình tự nhất định, một người mắc bệnh OCD đang cố gắng để cảm thấy an toàn tuyệt đối và chắc chắn rằng không điều gì xấu xảy ra với họ. 

Đôi khi sự ám ảnh và áp lực dường như có liên quan đến nhau. Ví dụ, nếu một người mắc OCD bị ám ảnh (hay suy nghĩ lo lắng) về mầm bệnh và bị bệnh, có thể sẽ kèm theo những áp lực (sự đòi hỏi và hành vi) để loại bỏ chúng đi, phải lau sạch các đồ vật, hoặc không chạm vào những thứ mà họ cho là có thể sinh ra bệnh.

Ảnh minh họa: nguồn tham khảo

Nhưng đôi khi sự ép buộc dường như không có liên quan gì đến nỗi sợ hãi mà một người đang cố loại bỏ chúng ra khỏi đầu. Người bị OCD có thể có suy nghĩ rằng nếu mọi thứ không được sắp xếp một cách trật tự trên bàn làm việc, thì người mà họ yêu thương có thể bị bệnh hoặc chết. Nhưng có đôi khi những trình tự đó lại khiến người bị mắc chứng bệnh này thấy lạ lẫm. Vì những lý do này, nhiều người bị OCD cố gắng giấu các triệu chứng của họ và không để những người khác biết.

Mặc dù những người mắc chứng OCD cảm thấy nhẹ nhõm khi họ ép buộc bản thân làm gì đó, chính việc ép buộc đó khiến họ càng ngày càng trầm trọng hơn. Càng ép buộc, bệnh càng trở nên tệ hơn.

Khi bệnh trở nên trầm trọng, sự ám ảnh ngày càng cao và các trình tự có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Việc này khiến việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Nguyên nhân dẫn đến OCD? 

Các bác sĩ và nhà khoa học chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra OCD, mặc dù các nghiên cứu gần đây đã giúp hiểu rõ hơn về OCD và nguyên nhân gây ra bệnh này. Trước đó, OCD được cho là căn bệnh khó điều trị, nhưng bây giờ với sự tiến bộ của công nghệ khoa học thì việc đó dễ dàng hơn trước. 

Ảnh minh họa: nguồn tham khảo

Các chuyên gia tin rằng OCD có liên quan đến mức độ của một hoá chất não gọi là serotonin. Khi serotonin bị chặn lại, hệ thống báo động của não lúc này sẽ phản ứng quá mức và hiểu sai thông tin. “Báo động sai” gây hiểu nhầm và dẫn đến truyền sai thông tin. Bộ não thay vì phải lọc ra những suy nghĩ không cần thiết, chúng lại giữ lại các suy nghĩ đó, và điều này khiến một người luôn suy nghĩ về nỗi sợ và các mối nghi ngờ. 

Ngoài ra, các nghiên cứu về hình ảnh của não đã chỉ ra rằng những người bị chứng OCD có các mô hình hoạt động não khác so với những người thường. 

Bằng chứng cho thấy OCD có xu hướng ảnh hưởng bởi gia đình. Nhiều người mắc chứng OCD có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình cũng bị chứng này hoặc các chứng rối loạn lo âu khác cũng bị ảnh hưởng bởi mức độ của serotonin trong não. Vì lý do này, các nhà khoa học tin rằng xu hướng (hoặc khuynh hướng) mất cân bằng serotonin của một người gây ra OCD có thể được kế thừa bởi sự di truyền có trong các mã gen. 

Xong cần phải hiểu có di truyền nhưng không đồng nghĩa là tất cả họ đều sẽ bị mắc OCD, chỉ là họ có nguy cơ cao hơn người khác mà thôi. OCD một phần là do di truyền, do đó cha mẹ hay gia đình không phải là yếu tố duy nhất, mặc dù đôi lúc căng thẳng hoặc bệnh tật có thể gây ra các triệu chứng của OCD ở một người có mã gen di truyền. 

Các bác sĩ đã từng nghĩ rằng OCD là bệnh hiếm gặp và không thể điều trị, nhưng bây giờ nó được biết đến phổ biến hơn. Ước tính cứ 100 người lại có 3 trường hợp mắc bệnh OCD. Mặc dù chưa có phương pháp chữa trị tận gốc, nhưng có những cách điều trị giúp cho đa phần bệnh nhân có thể sống thoải mái, không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng của bệnh.  

Chẩn đoán OCD

OCD là một loại bệnh, và có nó không phải là lỗi của một người. Giống như bệnh suyễn, tiểu đường, hoặc bất kỳ bệnh nào khác, OCD có thể được điều trị và mọi người có thể thoát khỏi những phiền toái từ các triệu chứng của nó. 

Không giống như bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác, bạn không thể dựa vào việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm hoặc xét nghiệm máu để biết bạn có bị OCD hay không. Thay vào đó, các bác sĩ ví dụ như các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia tâm thần học sẽ hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến sự ám ảnh và cưỡng chế. Họ sẽ hỏi và thảo luận các câu hỏi như:

• Bạn có lo lắng, suy nghĩ, tưởng tượng, cảm nhận, hoặc có suy nghĩ khiến bạn cảm thấy phiền hoặc khiến bạn nổi giận?

• Bạn có cảm thấy bạn cần phải kiểm tra, hỏi hoặc làm các hành động lặp đi lặp lại nhiều lần?

• Bạn có cảm thấy bạn luôn bắt bản thân phải làm một số việc với những số lần nhất định và phải theo một khuôn mẫu nhất định không? 

Một khi ai đó được chẩn đoán mắc bệnh OCD, các bác sĩ có thể bắt đầu tiến hành điều trị bệnh. Tin vui cho bạn là có những phương pháp điều trị thực sự hiệu quả. Rất nhiều chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhà tư vấn đã được đào tạo về điều trị OCD.

Trị liệu cho OCD

Đối với nhiều thanh thiếu niên, tư tưởng đi điều trị có thể hơi sợ. Rất nhiều người xấu hổ vì sự ám ảnh và áp lực nên họ thậm chí còn không nói với cha mẹ và bạn bè.

Ảnh minh họa: nguồn tham khảo

Nhưng số còn lại thì đều cảm thấy thoải mái, thậm chí cảm thấy nhẹ nhõm sau khi họ gặp bác sĩ trị liệu một hoặc hai lần và biết điều gì đang xảy ra với họ. Các chuyên gia trị liệu thường bắt đầu bằng cách nói về OCD và phương pháp điều trị hoạt động ra sao.

Trị liệu nói chuyện gọi là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đưa ra các phương pháp cụ thể, được gọi là bộc lộ và trình tự (hoặc đáp ứng) sự ngăn ngừa (ERP), các phương pháp này có thể giúp ích đối với những người mắc OCD.

CBT giúp mọi người học cách sử dụng sức mạnh của hành vi của họ để thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của họ, khiến mọi cho mọi thứ trở nên tốt hơn. Họ sẽ học được bệnh OCD hoạt động ra sao, làm thế nào OCD phát triển và làm thế nào để bệnh tình thuyên giảm. 

Liệu pháp bộc lộ và ngăn ngừa cho phép mọi người đối mặt với nỗi sợ hãi một cách an toàn, từng chút một, mà không cần ép buộc bản thân. Các nhà trị liệu dạy cho mọi người những cách mới để phản ứng lại những lo lắng và sợ hãi mà không cần phải theo trình tự.

Các liệu pháp này thực sự giúp “thiết lập lại” cơ chế của não gây ra sự ám ảnh và ép buộc. Lúc đầu, dường như rất khó để có thể ngừng thực hiện các việc theo trình tự, nhưng cuối cùng mọi người sẽ cảm nhận được sự an toàn khi đối phó với những ám ảnh và áp lực của chính họ.

Vượt qua OCD không phải là quá trình nhanh hay dễ dàng. Điều này cần sự kiên nhẫn, dám làm và đây là công việc khó khăn. Những người bị chứng OCD thường đi điều trị khoảng một hoặc hai lần một tuần trong một thời gian nhất định, sau đó họ bắt đầu thấy tốt hơn. Đôi khi bác sĩ cũng sẽ giúp họ bằng việc kê đơn để giúp bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng.

Để cảm thấy tốt hơn bạn có thể sẽ phải mất từ ​​vài tháng đến vài năm. Đối với nhiều thanh thiếu niên mắc chứng OCD, các triệu chứng có thể trở nên tốt hơn sau một khoảng thời gian nhưng họ cũng hoàn toàn có thể cảm thấy tệ nếu sau đó phải trải qua những khoảng thời gian đầy căng thẳng và áp lực. Học cách đối phó với bệnh OCD sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta có sự quyết tâm. 

Nhiều người mắc chứng OCD tìm đến các nhóm hỗ trợ, bởi đó là nơi giúp họ cảm thấy đỡ cô đơn hơn và để họ có thể kết bạn với những người khác, những người hiểu và đang sống trong cùng một cảnh ngộ với họ. 

Bị mắc OCD không có nghĩa họ là một người điên, hay đơn giản là việc họ nên ngừng ám ảnh và ép buộc bản thân đi. Cũng giống như việc đi tới bác sĩ khi bạn bị cúm không phải là điều gì đó xấu hổ, cũng như vậy, việc bạn đi điều trị nếu bạn nghi ngờ mình mắc OCD chẳng có gì là xấu hổ hết.

Với sự giúp đỡ, mọi người có thể thoát khỏi bệnh OCD, có nhiều thời gian và năng lượng để làm những việc họ muốn. 

Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh

Hiệu đính: Nguyễn Hằng

Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang