Bạn cảm thấy thế nào ngay lúc này, khi bạn bắt đầu đọc bài viết này? Bạn có cảm thấy tò mò không? Bạn có bao giờ từng cảm thấy chán nản vì có lúc bạn phải làm điều bạn buộc phải làm và bạn không thực sự muốn? Bạn có từng bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi tham gia vào những việc bạn yêu thích?
Những cảm xúc này là một phần tự nhiên của con người. Chúng cung cấp cho chúng ta thông tin về những gì chúng ta vừa phải trải qua và giúp chúng ta biết cách phản ứng lại.
Chúng ta có thể thấu hiểu được cảm xúc từ khi chúng ta còn nhỏ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phản ứng với cảm xúc của chúng bằng các biểu hiện của khuôn mặt hoặc với các hành động như cười, âu yếm hoặc khóc. Chúng có thể cảm nhận và thể hiện cảm xúc, nhưng chúng vẫn chưa có khả năng nhận biết và nói tên cảm xúc hoặc nói lý do tại sao chúng cảm thấy như vậy.
Khi lớn lên, chúng ta dần hiểu rõ cảm xúc bản thân hơn. Thay vì phản ứng giống như trẻ nhỏ thường làm, chúng ta có thể xác định những gì chúng ta cảm nhận và nói ra thành lời. Qua thời gian và thực hành, chúng ta hiểu rõ hơn về những gì chúng ta đang cảm nhận và tại sao chúng ta lại có những cảm nhận đó. Đây được gọi là nhận thức cảm xúc.
Nhận thức cảm xúc giúp chúng ta biết những gì chúng ta cần và muốn (hoặc không muốn!). Nó giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn. Đó là bởi vì nhận thức rõ đợc cảm xúc của chúng ta có thể giúp chúng ta nói về cảm xúc rõ ràng hơn, tránh các mâu thuẫn hoặc giải quyết mâu thuẫn tốt hơn, và vượt qua những cảm giác khó khăn dễ dàng hơn.
Một số người có thể nhận thức về cảm xúc của họ tốt hơn người khác. Nhận thức cảm xúc là bước đầu tiên hướng tới việc phát triển EQ, một loại kỹ năng có thể giúp mọi người thành công hơn trong cuộc sống.
101 cảm xúc
Dưới đây là một vài điều cơ bản khi nói về cảm xúc:
• Cảm xúc luôn đến và đi. Hầu hết chúng ta luôn cảm nhận thấy được nhiều cảm xúc khác nhau trong cả một ngày. Một số chỉ khoảng vài giây tuy nhiên lại có những loại cảm xúc lâu dần và trở thành tâm trạng.
• Cảm xúc có thể ở mức nhẹ, dữ dội, hoặc trung bình. Mức độ cảm xúc có thể phụ thuộc vào tình huống và bản thân mỗi người.
• Không có cảm xúc tốt hay xấu, nhưng có những cách tốt và xấu để diễn đạt những cảm xúc.
Một số cảm xúc tích cực như cảm giác hạnh phúc, yêu thương, tự tin, hứng thú, vui vẻ, quan tâm, biết ơn. Những cảm xúc tiêu cực hơn như tức giận, oán giận, sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi, buồn, hoặc lo lắng. Đây đều là những cảm xúc bình thường.
Tất cả cảm xúc này cho phép chúng ta khám phá nhiều hơn về bản thân và những tình huống xảy ra quanh chúng ta. Đôi khi chúng ta thấy khó chấp nhận với chính những gì chúng ta cảm nhận. Chúng ta có thể tự đánh giá bản thân chúng ta theo một cách nào đó, nhưng tốt hơn hết ta nên chú ý đến cảm giác của bản thân khi đó thay vì đánh giá bản thân.
Tránh những cảm xúc tiêu cực hoặc giả vờ như không cảm thấy có thể sẽ khiến mọi thứ đi ngược lại với những gì chúng ta mong muốn. Thật khó để vượt qua những cảm giác khó khăn và để chúng mờ dần nếu chúng ta không chịu đối mặt với chúng và cố gắng hiểu tại sao chúng ta cảm thấy như vậy.
Bạn không cần phải quá phụ thuộc vào cảm xúc của bạn hoặc liên tục nói về cảm giác của bạn. Nhận thức cảm xúc có thể hiểu theo cách đơn giản có nghĩa là nhận ra, tôn trọng, và chấp nhận cảm xúc của bạn khi chúng xảy ra.
Xây dựng nhận thức về Cảm xúc
Nhận thức về cảm xúc giúp chúng ta biết và hiểu bản thân mình. Vậy làm sao bạn có thể nhận thức được cảm xúc của bạn? Bắt đầu bằng ba bước đơn giản sau:
1. Tập làm quen: Hãy tự nhắc nhở bản thân bạn rằng không có cảm xúc nào là tốt hay xấu. Đừng đánh giá cảm xúc của bạn, chỉ cần bạn nhận ra và nói được ra đó là cảm xúc gì. Bạn có thể thấy vui mừng sau khi lập kế hoạch đi đâu đó với bạn bè, hay cảm thấy lo lắng trước kỳ thi. Bạn cũng có thể thư giãn khi nghe một bản nhạc, có thêm cảm hứng từ một triển lãm nghệ thuật, hoặc vui mừng khi được khen. Chỉ mất một vài giây để nhận ra được loại cảm xúc mà bạn đang có.
2. Đánh giá: Đánh giá cảm xúc của bạn từ thấp tới cao, dựa theo thang điểm 1-10. Với thang điểm 1 là mức thấp nhất và 10 là cao nhất.
3. Chia sẻ: Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với những người thân. Đây là cách tốt nhất để bạn bày tỏ cảm xúc của mình ra ngoài, bên cạnh đó chia sẻ cũng là một cách để chúng ta trở nên gần gũi hơn với bạn bè, hay người thân xung quanh.
Giống như bất cứ điều gì khác trong cuộc sống, khi nói đến cảm xúc, thực hành làm cho hoàn hảo! Nhắc nhở bạn rằng không có cảm xúc tốt hay xấu. Đừng đánh giá cảm xúc của bạn – chỉ cần lưu ý và đặt tên chúng.
Lược dịch: Nguyễn Ánh Linh
Nguồn: D’ Arcy Lyness, Ph D